Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách “phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa” là một trong sáu giải pháp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bài viết của mình tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bàn về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thể hiện rất rõ tầm quan trọng của mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước, đúng với tinh thần, chủ trương của Đảng đề ra.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Phóng viên: Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tham dự và có bài viết quan trọng với chủ đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Đại biểu có đánh giá như thế nào về sự quan tâm của các nhà lãnh đạo đối với lĩnh vực văn hóa của nước nhà?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Phải nói rằng Đảng ta rất chú trọng tới lĩnh vực văn hóa, bởi đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự và chỉ đạo, tổ chức một hội nghị rất lớn về văn hóa để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đây là lần đầu tiên kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất tổ chức năm 1946, nước ta mới lại có một Hội nghị Văn hóa toàn quốc với quy mô lớn như thế này, với dự tham dự của đông đảo các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước. Đại diện cho Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng có một bài viết rất sâu sắc với chủ đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững”cho Hội nghị. Điều đó chứng tỏ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm rất sâu sắc cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc này là một minh chứng rằng: đã đến lúc đất nước ta, toàn Đảng, toàn dân đã có một sự chú ý, quan tâm đúng mực về vấn đề văn hóa nước nhà. Thời gian qua, Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng của đất nước. Các nghị quyết của Quốc hội luôn xác định, trong mỗi chính sách đều chú trọng tới yếu tố văn hóa, thể chế hóa đúng đắn quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa ngày càng được quan tâm hơn, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ cho tăng trưởng và phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Phóng viên: Trong bài viết của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định văn hóa là “sức mạnh mềm”, “sức mạnh nội sinh” của một quốc gia, đại biểu có nhận định như thế nào về vấn đề này?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Từ trước tới nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành chân lý, khẳng định vai trò nền tảng tinh thần, tính khai sáng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước. Hôm nay, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong chặng đường phát triển bền vững đất nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Rõ ràng, văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, sự vững chắc của mỗi cộng đồng và rộng hơn là sự phát triển của mỗi quốc gia. Sẽ không thể có một sự phát triển nhanh và bền vững nếu không phát huy được nội lực của chính quốc gia đó. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là những sáng tạo của con người quốc gia đó. Phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ở bài viết, văn hóa là động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới mang tính bước ngoặt, với sự tác động nhiều mặt của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta vừa kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung, phát triển các giá trị mới như tự do, dân chủ, hiện đại, văn minh... Những đặc tính, phẩm chất cơ bản của văn hóa và con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại có ý nghĩa rất tích cực, cần được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh, nền tảng tinh thần, “sức mạnh mềm” của đất nước hướng tới tương lai tươi đẹp.
Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ 06 giải pháp Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh đến việc “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách “phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa”. Đại biểu có nhận định gì về giải pháp này và mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong giai đoạn hiện nay?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Phải khẳng định, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa không phải là mối quan hệ cơ học, tách biệt hoặc đối lập nhau mà quan hệ biện chứng, thể hiện ở chất lượng phát triển bền vững của quốc gia. Nếu phát triển kinh tế để xây dựng nền tảng vật chất thì phát triển văn hóa để tạo dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Sự phát triển đồng bộ của hai lĩnh vực trọng yếu này góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.
Trong bài viết của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhắc tới việc phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa. Tôi cho rằng, điều đó thể hiện một quan điểm rất rõ về tầm quan trọng của văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, ngang hàng với chính trị. Nếu tiềm lực kinh tế cùng với chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại là “sức mạnh cứng’’ thì văn hóa chính là “sức mạnh mềm”, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của một quốc gia, dân tộc. Đầu tư cho phát triển văn hóa không chỉ là đầu tư cho vấn đề phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng môi trường văn hóa mà còn là đầu tư để phát triển “sức mạnh nội sinh”, đầu tư để phát triển “sức mạnh mềm” của dân tộc trong hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên trong thực tế, trong việc phân bổ các nguồn lực thời gian qua, Nhà nước thường tập trung cho nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, chúng ta chưa thực sự đầu tư đúng mức cho văn hóa. Chúng ta đã mải mê cho những vấn đề kinh tế, mải mê cho những vấn đề chính trị, mà đã phần nào xao nhãng đi tới sự chăm lo cho phát triển văn hóa. Trong khi xây dựng quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, các nhà quản lý thường tập trung vào mục tiêu lợi ích kinh tế, chưa chú ý tới điều kiện sống, môi trường lao động và đời sống văn hóa tinh thần của người lao động. Doanh nghiệp thường chạy theo lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến các giá trị văn hóa và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Các hoạt động văn hóa cũng chưa tích cực chủ động tham gia vào “làm giàu bằng văn hóa” để phát triển kinh tế - xã hội. Sự tách rời giữa hoạt động kinh tế và hoạt động văn hóa có chiều hướng gia tăng cả ở các cấp Trung ương, cấp bộ, ngành và địa phương. Những vụ án kinh tế lớn gần đây đã cảnh báo nguy cơ này và đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp “xây dựng văn hóa trong kinh tế” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu tới chính là một giải pháp căn cơ, cốt lõi.
Qua tinh thần phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta thấy được, nhận thức và quan điểm của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của văn hóa cần phải xác định nó tương xứng với kinh tế đến nay đã thực sự “chín mùi”. Từ nay trở đi, Chính phủ điều hành đất nước sẽ dựa theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng, Chủ tịch nước tham gia trong quá trình lãnh đạo đất nước cũng đi theo tinh thần của Đảng, và Quốc hội cũng không nằm ngoài quỹ đạo này.
Do vậy, bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ra đời rất đúng lúc, bắt nhịp đúng tinh thần của Đại hội Đảng, khẳng định Quốc hội – dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân luôn chú trọng, kịp thời vào cuộc và nhanh chóng hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thông qua những quyết sách quan trọng, những quy định mang tính pháp lý, để toàn bộ xã hội hoạt động theo đúng tinh thần đó.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!