ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CHÚ TRỌNG KHÂU THỰC THI ĐẢM BẢO THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC MỤC TIÊU ĐỀ RA

06/01/2022

Tham gia thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung cơ bản tại Tờ trình của Chính phủ.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Theo Tờ trình của Chính phủ mục tiêu ban hành Nghị định gồm 3 mục tiêu chính. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh trí kiến nghị cần nhấn mạnh và phải nêu rõ mục tiêu số một vẫn là phải phòng, chống đại dịch Covid-19. Đại biểu khẳng định chỉ khi làm tốt công tác này thì mới có thể đảm bảo thực hiện các mục tiêu về phục hồi kinh tế, an sinh xã hội,…

Về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm;Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cơ bản đồng tình với 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp do Chính phủ đề xuất, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất, cần cấu trúc lại một số nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính logic, hợp lý hơn.

Băn khoăn về kinh phí dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đầu tư cho y tế còn hạn chế, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần cân nhắc điều chỉnh kinh phí hợp lý hơn, đảm bảo hiệu quả khi triển khai thực thi.

Đặt vấn đề tình hình dịch bệnh Covid -19 còn diễn biến phức tạp, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh đến tầm quan trọng, sự cần thiết phải khẩn trương sản xuất vắc xin trong nước. Theo đại biểu, chủ động vắc xin có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện, đại biểu kiến nghị cần đầu tư công nghệ, thiết bị, cử chuyên gia đi đào tạo, tham khảo kinh nghiệm các nước đã sản xuất thành công vắc xin,… “Cần phải đầu tư và đầu tư sớm nhất có thể để có thể sản xuất được vắc xin trong nước. Trong đề án này, cần có một phần vốn ưu tiên đặc biệt dành cho việc nghiên cứu, sản xuất, chuyển gia công nghệ để sản xuất vắc xin trong nước…”, đại biểu Nguyễn Anh Trí lưu ý.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí còn bày tỏ quan điểm tán thành với đề xuất cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án,…

Theo đại biểu, hầu hết các dự án của chúng ta bị chậm tiến độ nhất là ở giai đoạn đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Do đó, cần tách riêng ra và tạo một gói thầu riêng, có kinh phí để làm việc này. “ Tôi rất mong đề xuất này được thực hiện và sau khi thí điểm triển khai, phải luật hóa trở thành chính thức... “, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Liên quan đến việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án.

Đồng tình với phương án 2, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, sự ủng hộ, giúp sức của các doanh nghiệp là vô cùng quý báu. Vì vậy, nên cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, để các chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao, Chính phủ phải chú trọng đến khâu tổ chức thực thi, triển khai thực hiện và báo cáo định kỳ, kịp thời với Quốc hội. Đồng thời, công tác giám sát thực hiện chính sách cần được coi trọng. Trong quá trình giám sát phải kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập để có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra./.

Lê Anh