Sửa đổi những vấn đề cốt lõi, cấp bách nhất
Nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật hiện hành, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Đặc biệt, hầu hết các dự thảo luật được sửa đổi lần này theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương, mở rộng quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nêu rõ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự là dự án Luật có tính chất đặc biệt, một Luật sửa nhiều Luật với phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập, đại biểu ghi nhận các cơ quan chủ trì soạn thảo sự đầu tư nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cũng lưu ý các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này, kể cả các điều khoản chuyển tiếp phải được cam kết là những vấn đề được chắc lọc ưu tiên nhất, cốt lõi nhất, cấp bách nhất, có tác dụng lâu dài, rộng khắp đạt được mục tiêu cải cách thể chế mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp và sửa đổi, bổ sung liên tục, nhiều lần.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào mạng lưới truyền tải
Đối với nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu thống nhất nội dung sửa đổi quy định thu hút đầu tư vào ngành điện theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ". Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, việc này sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư mạng lưới truyền tải, tháo gỡ điểm nghẽn giữa năng suất nguồn điện và mạng lưới hiện nay.
Đồng thời lưu ý để hạn chế rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phân định rõ phạm vi giữa Nhà nước và tư nhân, xác định rõ loại danh mục dự án do Nhà nước đầu tư và do tư nhân đầu tư vào hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia; về quyền, nghĩa vụ của các đơn vị truyền tải điện tư nhân; về kiểm soát đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm yêu cầu an toàn hệ thống điện cũng như quốc phòng. Đặc biệt, chính sách giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện là vấn đề phức tạp cần xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị cơ quan chủ quản trong quá trình hoàn thiện pháp luật và triển khai áp dụng, nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách quy định về phát triển năng lượng tái tạo, bổ sung các quy định giúp khắc phục được tình trạng thiếu liên thông, đồng bộ giữa đấu nối nguồn điện với lưới truyền tải điện quốc gia, lưới điện kết nối vùng, miền khiến nhà máy điện gió, điện mặt trời không giải tỏa hết công suất gây khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch đất đai..
Đại biểu cũng cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc sửa đổi toàn diện, tổng thể Luật Điện lực theo kế hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan trong Luật cũng đang rất cấp bách.
Ban hành chính để kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển ngành sản xuất xe ô tô điện chạy pin
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 7 dự thảo Luật), theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện là phù hợp, kịp thời để khuyến khích đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm những chính sách ưu đãi lớn hơn, dài hơi hơn để phát triển, tăng vị thế cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vừa tạo động lực tăng trưởng và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Đồng thời, nhanh chóng rà soát, bổ sung hoàn thiện thêm về tác động môi trường của xe ô tô điện chạy pin; bổ sung đánh giá tác động đến môi trường đối với số pin hết thời hạn sử dụng và không còn có thể tái chế, bảo đảm dòng xe ô tô này thân thiện với môi trường và phù hợp với thực tế ứng dụng.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương
Cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 3 dự thảo Luật), đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật và cho rằng, việc sửa đổi lần này đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của các ngành, địa phương đối với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, góp phần thực hiện đồng bộ, thống nhất chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý nhà nước. Đồng thời cũng cần xem xét, cân nhắc để đưa ra các quy định cụ thể trong thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, nhất là về thời gian, điều kiện, chương trình, danh mục dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của địa phương, điều chỉnh thời gian kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước. để các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án đã có khối lượng đảm bảo đủ điều kiện giải ngân theo quy định; quy định cụ thể thời gian, điều kiện chuyển nhượng, thu hồi dự án;
Đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định tôi vừa đề xuất cần gắn với cơ chế tăng cường giám sát, kiểm tra, đồng thời không làm phát sinh thủ tục hành chính, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Ngoài ra, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Điều 8 dự thảo Luật), tán thành với dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng việc bổ sung thêm cơ chế để các cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời tài sản ở các địa phương khác nhau là bước tiến quan trọng góp phần giải quyết những tồn tại, bức xúc về sự chồng chéo của các quy định pháp luật, khắc phục tình trạng chậm thi hành án, định giá tài sản./.