BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH: TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT, ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ TỐI ĐA GÓI KÍCH CẦU

07/01/2022

Tham gia giải trình, làm rõ những đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để gói kích cầu đạt hiệu quả tối đa...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc 

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong tổng gói chính sách tài khóa được xây dựng hiện nay, phần tác động đến bội chi ngân sách là 240.000 tỉ đồng, trong đó riêng nguồn lực để hỗ trợ miễn, giảm thuế 64.000 tỷ - cao gấp 3 lần so với năm 2021 và chi ngân sách lớn nhất từ trước đến nay.

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc giảm 2% trong 10% thuế suất, việc giảm này là nhỏ, cần phải giảm đến 5%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến áp dụng năm 2012 sẽ giảm 2% đối với mặt hàng có mức thuế suất 10% trừ những ngành như viễn thông, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, sản xuất kim loại, khoáng sản và hóa chất. Như vậy, phần này giảm 49,4 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vào, Bộ Tài chính xin tiếp thu và nhận thấy phù hợp.

Đối với hàng hóa chịu 5% thì số giảm sẽ lớn lên, tương đương 65%, thì như vậy sẽ gây áp lực và không đảm bảo cân đối ngân sách. Việc phân loại quá nhiều rất phức tạp bởi vấn đề bỏ lọt đối tượng, nên Bộ Tài chính xin giữ nguyên như Tờ trình đã nêu.

Liên quan đến đề nghị giảm thuế thu nhập thay VAT, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% thì diện doanh nghiệp được thụ hưởng phủ rộng hơn, đồng thời sự lan tỏa tốt hơn, kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế vì bản chất giảm VAT là giảm thu. Tuy nhiên, giảm thuế VAT doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ sẽ không được hưởng. Do đó, Bộ  Tài chính đề nghị giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.

Về vấn đề cho phép doanh nghiệp được trừ bổ sung vào tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế, quy định thuế thu nhập và chi phí tài sản cố định và chi phí lao động trong 2022 và 2023, bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện doanh nghiệp đã được trích các khoản chi phí thực tế, có đầy đủ hóa đơn và chứng từ hợp pháp. Nếu tính cao hơn chi phí thực tế sẽ giảm số thuế phải nộp đối với doanh nghiệp có lãi; trong khi doanh nghiệp thua lỗ cũng không được tạo thêm nguồn lực. Báo cáo tài chính cũng không minh bạch giữa chi phí và thuế, nhất là không đúng với pháp luật thuế hiện nay và chuẩn mực kế toán.

Đối với đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản và giao dịch chứng khoán và kinh doanh trên nền tảng số, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hạn chế tiêu dùng. Hiện nay, chuyển nhượng chứng khoán được áp mức thu 2% thuế thu nhập, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán.

Đối với bất động sản, thu nhập doanh nghiệp là 2% trên thu nhập, cá nhân thì 2% trên giá trị hợp đồng bán từng lần. Hiện nay thị trường chứng khoán cũng đang rất tốt và là một kênh huy động vốn tốt cho nền kinh tế. Như năm 2021 huy động được 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5 % so với GDP của năm 2021. Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên và tới đây sẽ tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Với bất động sản cá nhân yêu cầu nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu.

Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, bởi vì luật hiện hành hiện nay đã quyết toán lỗ vào kỳ thu nhập tiếp theo, tức là năm sau, còn chưa có quy định về chuyển lỗ về năm trước. Bên cạnh đó,  bản chất chuyển lỗ về năm trước thì ngân sách cũng phải hoàn lại cho doanh nghiệp mà hiện nay tình hình ngân sách cũng đang gặp khó khăn và phải sửa một số luật như Luật Ngân sách và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp,.../.

Lê Anh - Nghĩa Đức