ĐBQH KHÓA XII,XIII LÊ NHƯ TIẾN: CẦN ĐẨY MẠNH VÀ CHÚ TRỌNG HOẠT ĐỘNG HẬU GIÁM SÁT

09/03/2022

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ĐBQH khóa XII, XIII, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát trên cơ sở nguyên tắc “giám sát phải đi đến cùng vấn đề; gắn giám sát với chế tài thực hiện’’ là bài học kinh nghiệm quý giá trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

 

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ĐBQH khóa XII, XIII

Trách nhiệm đại điện cho cử tri là động lực thúc đẩy hoạt động giám sát

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến cho rằng, giám sát là một trong những chức năng cơ bản không chỉ của Quốc hội Việt Nam mà là của Quốc hội tất cả các nước. Giám sát của Quốc hội là việc Quốc hội sử dụng các phương tiện và công cụ của mình để tìm hiểu xem chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành được thực thi như thế nào và các cơ quan nhà nước thực hiện các chức năng luật định ra sao, trên cơ sở đó bảo vệ lợi ích của cử tri và của cộng đồng xã hội. Trách nhiệm đại điện cho cử tri là động lực thúc đẩy hoạt động giám sát của Quốc hội. “Trong một nhà nước và nghị viện hiện đại, vai trò của hoạt động giám sát là vô cùng to lớn, làm cho nghị viện hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu quả”, ông Lê Như Tiến lưu ý.

Cùng với chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội nước ta. Chất lượng của hoạt động giám sát có tác động tích cực đến chất lượng của hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, thực tiễn hoạt động và yêu cầu của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang đặt ra cho Quốc hội Việt Nam nhiệm vụ cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trong đó có việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH. Đây là một yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải cách bộ máy nhà nước nói chung, đổi mới và hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói riêng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về cải cách bộ máy nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nhận định về hiệu quả của hoạt động giám sát thời gian qua, ông Lê Như Tiến cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH đã được Quốc hội tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, đã mang lại những kết quả tích cực, có tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội  và các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị, đóng góp thông tin quan trọng cho hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề lớn của đất nước. Nhận thức về hoạt động giám sát của Quốc hội không ngừng được nâng lên, từ cơ quan tiến hành giám sát đến cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Phần lớn những kết luận, kiến nghị của cơ quan giám sát đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, chuyển hóa vào quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, cơ chế chính sách và công tác chỉ đạo điều hành của ngành, lĩnh vực.

Kết quả đó có được là do nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã được xây dựng. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hộ đã giúp các cơ quan tiến hành giám sát và cơ quan chịu sự giám sát thấy được trách nhiệm của mình, hình thành cơ chế tự nhiên tạo nên hiệu quả của hoạt động này. Vì vậy, những quy định tại Luật có tác động trực tiếp, mang tính nhân quả đến kết quả, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động giám sát nói chung của Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Như Tiến cho rằng, hoạt động giám sát cũng còn có những mặt hạn chế. Hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát tuy đã được nâng lên một bước nhưng chưa thật rõ nét. Ngoài ra, việc lựa chọn phương thức giám sát đôi khi còn lúng túng; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát còn chưa đủ mạnh;…

Chú trọng và đẩy mạnh hoạt động hậu giám sát

Trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, ông Lê Như Tiến đề xuất nhiều giải pháp đổi mới hoạt động giám sát liên quan đến: Đổi mới tổ chức thực hiện các hình thức giám sát; Đổi mới cách thức tổ chức hoạt động của các chủ thể giám sát; Tăng cường công tác đảm bảo cho hoạt động giám sát của Quốc hội; Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát;... Trong đó, ông Lê Như Tiến đặc biệt quan tâm, kiến nghị nâng cao hiệu quả hậu giám sát.

Theo ông Lê Như Tiến, chú trọng và đẩy mạnh hoạt động hậu giám sát, nâng cao tính hiệu quả là thành tựu có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới trong hoạt động giám sát, nhất là chú trọng việc ban hành và giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát, nhưng hoạt động hậu gim sát của Quốc hội vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu.

Nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát trên cơ sở nguyên tắc: giám sát phải đi đến cùng vấn đề; gắn giám sát với chế tài thực hiện là bài học kinh nghiệm quý báu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, ông Lê Như Tiến kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hoạt động hậu giám sát:

(1) Chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động hậu giám sát trong hoạt động giám sát nói chung và trong việc nâng cao hiệu quả giám sát nói riêng bằng các biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của Quốc hội.

(2) Nâng cao năng lực của ĐBQH. Thực tế cho thấy, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội được quyết định bởi chất lượng hoạt động giám sát của từng ĐBQH. Bên cạnh phẩm chất và năng lực cần có, ĐBQH cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, những kỹ năng về phát hiện, phân tích, tổng hợp, đánh giá khách quan, đúng đắn đối với vấn đề thuộc nội dung giám sát, theo sát vấn đề giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng giám sát một cách thường xuyên; khi các kết luận giám sát chưa được thực hiện, ĐBQH cần kiên quyết phản ánh trước nghị trường, truy đến cùng vấn đề chưa thực hiện tốt để tạo chuyển biến thực sự trong thực tế.

(3) Chú trọng và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành giám sát.

(4) Nâng cao chất lượng các kết luận giám sát; hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động hậu giám sát; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

(5) Đưa hoạt động theo dõi, tổng hợp, đôn đốc về hậu giám sát trở thành hoạt động thường xuyên hàng tháng, quý, cả năm thông qua các công cụ và các hoạt động như: xây dựng Bản tin về việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; báo cáo định kỳ về hoạt động hậu giám sát; tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp, thường xuyên của Tổng Thư ký Quốc hội với Bộ, ngành về hoạt động hậu giám sát.

(6) Áp dụng chế tài phù hợp để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hậu giám sát./.

Lê Anh

Các bài viết khác