ĐẠI BIỂU ĐINH NGỌC QUÝ: PHÁT HUY VAI TRÒ NÒNG CỐT, TRỤ CỘT CỦA ĐBQH CHUYÊN TRÁCH

28/03/2022

Ngày 28-29/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để thảo luận, góp ý một số dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho biết, Hội nghị hoạt động gắn với xu hướng đổi mới của Quốc hội, tăng cường và phát huy vai trò trụ cột, nòng cốt của các ĐBQH chuyên trách.

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý 

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách - Phát huy vai trò nòng cốt của Quốc hội

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong công tác lập pháp, Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách có ý nghĩa thế nào đối với việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý: Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tổ chức, thực hiện theo trình tự xây dựng pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội và Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một quá trình thực hiện, kiểm nghiệm, kiểm chứng, đánh giá trước khi luật hóa quy định về Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được bắt đầu cách đây hơn 10 năm. Từ năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đến 2012, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Đây là hoạt động gắn với xu hướng đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp gắn với nâng cao và tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách. Hội nghị cũng nhằm phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách và thể hiện rõ vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách cả ở trung ương và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Theo quy định, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách có giá trị như việc Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các dự án luật như tại Kỳ họp Quốc hội. Chính vì vậy, đây là căn cứ, cơ sở giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội có thêm luận cứ, bằng chứng, cơ sở để tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật.

Hội nghị này cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội nhìn lại quá trình các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ tiếp thu, chính lý các nội dung sau khi được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước đó.

Phóng viên: Đây là Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu kỳ vọng thế nào về chất lượng Hội nghị này? 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý: Hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ theo chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật mà còn mang ý nghĩa là hoạt động không thể thiếu, là hoạt động trụ cột, nòng cốt của Quốc hội nhất là trong xu hướng hoạt động Quốc hội ngày càng đổi mới, tăng cường chuyên trách, hướng tới chuyên nghiệp và chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các vấn đề trước khi trình lên Quốc hội tại Kỳ họp. 

Mặc dù các dự án luật được qua nhiều vòng, nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn về các vấn đề cụ thể trong các dự án luật, nhưng thông qua Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội chuyên trách từ nhiều vị trí công tác khác nhau, từ các góc độ của các cơ quan, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ có thêm nhiều ý kiến đa dạng nhiều chiều để nhìn thấu đáo các vấn đề được tiếp thu, chỉnh lý và cả những vấn đề mới phát sinh trong quá trình chỉnh lý. Đặc biệt, kỳ vọng các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại các địa phương là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật ở địa phương thì có ý kiến góp ý vào dự thảo để thấy được hết các khía cạnh. Qua đó, giúp hoàn thiện dự thảo luật tốt hơn, phản ánh đầy đủ các vấn đề, hài hòa quyền và lợi ích của các bên nhất là các đối tượng chịu sự điều chỉnh, chịu sự tác động của luật, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy sự tham gia của các bên vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. 

Chúng ta đều thấy rằng, bất kể vấn đề nào nếu được xem xét càng kỹ càng, thấu đáo, đánh giá tác động kỹ lưỡng, được xem xét nhiều vòng nhiều người tham gia thì sẽ hoàn thiện hơn thì sẽ tốt hơn.

Lấy ý kiến nhiều chiều, đa dạng trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật

Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách lần này sẽ tập trung thảo luận, góp ý về 4 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là 4 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và được Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong các phiên họp vừa qua.

Trong đó, một trong những vấn đề được các đại biểu, Nhân dân và cử tri rất quan tâm đó là quy định hình thức khen thưởng đối với thanh niên xung phong trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án trình Quốc hội xem xét việc khen thưởng cho thanh niên xung phong. Việc phong tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu thanh niên xung phong Việt Nam là việc làm cấp thiết và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc làm này không chỉ là sự ghi nhận cho thế hệ thanh niên xung phong đi trước mà còn là niềm tự hào và nguồn cảm hứng với nhiều lớp thế hệ trẻ sau này. 

Phóng viên: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một trong những dự án luật được xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này, trong đó có nội dung về hình thức khen thưởng đối với thanh niên xung phong. Ủy ban Xã hội được giao nhiêm vụ chủ trì, thẩm tra dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Vậy, việc bổ sung quy định hình thức khen thưởng cho Thanh niên xung phong đã được tiếp thu, chỉnh lý như thế nào trong dự thảo Luật?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý: Chúng ta phải khẳng định Đảng và Nhà nước luôn luôn ghi nhận công lao to lớn, sự đóng góp, hy sinh của Nhân dân và các lực lượng trong kháng chiến. Theo báo cáo mới nhất về tổng kết công tác khen thưởng kháng chiến cơ bản hoàn thành. Mặc dù trên thực tế do nhiều lý do khách quan, lịch sử khác nhau còn một số hồ sơ tồn đọng và cần phải nghiên cứu xem xét và tiếp tục giải quyết. 

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thì nội dung về khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang đã được đưa vào dự thảo báo cáo giải trình và dự thảo Luật. Theo đó, tiếp thu quy định theo hướng quy định rõ tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng để bảo đảm tính đồng bộ với khen thưởng kháng chiến. Từ trước đến nay việc khen thưởng kháng chiến được quy định theo các văn bản riêng mà không quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cùng với cơ quan soạn thảo thống nhất quy định trong dự thảo luật để thể chế tối đa chủ trương của Đảng."

Phóng viên: Không chỉ đối với dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), những vấn đề lớn, được dư luận, cử tri quan tâm trong cả 4 dự án Luật sẽ được đưa để các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu, cách làm này sẽ có hiệu quả thế nào đối với việc xem xét, bàn thảo tại Kỳ họp Quốc hội?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý: Là một quy trình trong hoạt động lập pháp, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo luật sẽ thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thể hiện tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, cũng là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước thấy được hoạt động lập pháp của Quốc hội và của đại biểu chuyên trách.

Đây cũng là cơ hội thu được nhiều ý kiến khác nhau, đa dạng từ các góc độ, nhiều chiều để hoàn thiện các dự thảo luật trước khi trình Quốc hội không chỉ về kỹ thuật lập pháp, mà còn giải trình thấu đáo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Bên cạnh việc giúp cho cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo, Hội nghị cũng giúp Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm vòng lọc hữu ích trong việc thấy được vấn đề toàn diện hơn, nhận diện thêm những vấn đề phát sinh hướng tới chất lượng tốt nhất của dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua."

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/3. Hội nghị sẽ họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp với họp trực tuyến; quy tụ tất cả đại biểu chuyên trách ở Trung ương và địa phương, những nhà nghiên cứu lập pháp chuyên nghiệp trong nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV.

Việc tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật cần được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của các chính sách, khảo sát, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Qua Hội nghị này, một lần nữa, các cơ quan sẽ tiếp thu ý kiến xác đáng và giải trình thấu đáo, thuyết phục để trình 4 dự án Luật Quốc hội xem xét, thông qua, đảm bảo tính khả thi và chất lượng cao nhất./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bảo Yến

Các bài viết khác