Qua làm việc với các Bộ, ngành về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐBQH Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, Đoàn giám sát đã có đánh giá bước đầu về những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong công tác này, đồng thời nhấn mạnh, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân.
Những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, các yếu tố phát sinh khiếu nại, tố cáo ngày càng lớn, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng trở nên quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Ngày 06/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Là nội dung giám sát quan trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, chuyên đề giám sát này nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong triển khai thực hiện các nội dung giám sát. Trong tuần qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với nhiều Bộ, ngành để đánh giá, khảo sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
ĐBQH Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
Quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, qua các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã có đánh giá bước đầu về những kết quả đạt được cũng như tồn tại hạn chế trong việc thực hiện công tác này, đồng thời nhấn mạnh, để tạo được hiệu quả thực chất, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân.
Phóng viên: Trong tuần vừa qua, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" đang tiến hành nhiều cuộc làm việc với Bộ, ngành. Đại biểu có đánh giá như thế nào về các cuộc làm việc này?
ĐBQH Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: Hiện nay, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" đang tiến hành các cuộc làm việc với một số Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… Dự kiến, Đoàn sẽ làm việc và tiến hành giám sát với 8 Bộ, ngành và 6 địa phương về vấn đề này. Qua nghe báo cáo của các đơn vị tại cuộc làm việc, Đoàn đã nắm bắt được những thông tin cơ bản, có được bức tranh toàn cảnh về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều Bộ, ngành, lĩnh vực, bước đầu đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, Đoàn cũng đã tổng hợp, rút ra một số kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Cũng qua các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã xác định những tồn tại hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo như: một số đơn vị chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp dân; vẫn còn chưa giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc nổi cộm, tồn đọng, kéo dài; việc phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều vướng mắc… Với những thông tin đã nắm bắt được từ các cuộc làm việc, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành và triển khai giám sát tại các địa phương để có được nhận định chính xác nhất về tình hình thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoàn thành báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phóng viên: Theo quy định hiện hành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm tiếp công dân trực tiếp. Qua các cuộc giám sát vừa qua, thực tế cho thấy tại các Bộ, ngành, việc thực hiện công tác này vẫn chưa đầy đủ. Theo đại biểu, việc thực hiện công tác tiếp công dân của người đứng đầu đang có những tồn tại gì?
ĐBQH Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: Hiện nay, theo quy định của luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trực tiếp tiến hành công tác tiếp công dân. Qua đó tiến hành xem xét các ý kiến, kiến nghị của công dân, từ đó xem xét các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Qua giám sát vừa qua, nghe báo cáo việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các Bộ, ngành, tôi thấy rằng việc thực hiện này chưa có sự thống nhất. Có những Bộ, ngành thực hiện rất đúng quy định của luật. Tuy nhiên, ở một số Bộ, ngành, quá trình triển khai quy định này chưa thực sự đầy đủ. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, qua báo cáo, trao đổi, có Bộ, ngành cho rằng người đứng đầu quá bận công tác, chưa bố trí, sắp xếp được…
Chúng tôi cho rằng quy định tiếp công dân của người đứng đầu là một quy định đúng đắn để thể hiện quyền dân chủ, tăng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống cơ quan nhà nước. Quy định này cần được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Luật cũng quy định trong trường hợp người đứng đầu không bố trí, sắp xếp để tiếp công dân thường xuyên, có thể lùi thời gian tiếp; đồng thời, theo quy định của luật, trong trường hợp đó, người đứng đầu không được ủy quyền.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất kiến nghị, giải pháp nào để việc tiếp công dân của người đứng đầu được thực hiện đúng theo quy định?
ĐBQH Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: Theo tôi lịch tiếp công dân định kỳ thường được quy định rõ ở lịch tiếp công dân của cơ quan, quy định đó được người đứng đầu cơ quan chủ trì xây dựng. Người đứng đầu được quyền chủ động xác định ngày tiếp công dân. Quá trình bố trí, sắp xếp lịch tiếp công dân cho thủ trưởng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu cần có sự tính toán, sắp xếp phù hợp, trừ những trường hợp thực sự đặc biệt.
Ngoài ra, qua trao đổi, tiếp xúc, làm việc với một số Bộ, ngành, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện những quy định này của pháp luật để không chỉ đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, mà qua tiếp công dân người đứng đầu sẽ trực tiếp nắm được những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm cá nhân, thuộc thẩm quyền, chức năng của đơn vị, cơ quan.
Đồng thời, người đứng đầu cần nâng cao hơn nữa việc thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.