ĐBQH HOÀNG ANH CÔNG: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG DỰ ÁN TREO

05/05/2022

Qua các phiên làm việc của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là các quy hoạch treo tại nhiều địa phương. Theo đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cần nâng cao chất lượng quy hoạch để khắc phục tình trạng dự án treo.

 

Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với các bộ, ngành

Là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo.

Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với một số Bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh có tính đại diện cho các vùng miền của cả nước, triển khai làm việc với Chính phủ, tổng hợp báo cáo. Qua các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã cơ bản đánh giá được thực trạng việc chấp hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, nắm bắt, tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, giải pháp để hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng, qua đó hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Trong quá trình giám sát, một vấn đề nổi cộm nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là vấn đề quy hoạch treo. Thực tế, ở nhiều tỉnh, thành, địa phương, có những dự án đã chậm triển khai qua nhiều năm, dù đất đã được thu hồi, giải phóng mặt bằng, nhưng lại không triển khai xây dựng, hoặc xây dựng nửa chừng. Những quy hoạch làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân bay, bến cảng … nhưng chỉ vẽ ra giấy, còn đợi điều chỉnh, đợi phê duyệt, chưa thể thành hiện thực. Chủ đầu tư lợi dụng xin điều chỉnh, nhằm tăng tối đa hóa lợi nhuận, kéo dài thời gian thực hiện để tránh bị thu hồi dự án khi đã có quyết định giao đất. Trong khi đó, người dân không có nhà, không có đất, sống tạm bợ, thậm chí không được đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch.

Cách thức quản lý, xử lý các dự án treo đã được quy định tương đối rõ ràng và chặt chẽ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể, Điều 52 của Luật Quy hoạch năm 2019 quy định: "Quy hoạch được rà soát theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức rà soát quy hoạch. Kết quả rà soát quy hoạch phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch."

Về xử lý quy hoạch "treo", Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 quy định, sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thì phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc này đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.   

Cùng với đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng…” .

Đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Hệ thống pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc xử lý các dự án treo, việc đạt được hiệu quả trong xử lý dự án, đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân phụ thuộc vào việc thực hiện nghiêm túc và khẩn trương những quy định của pháp luật.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chất lượng quy hoạch còn chưa tốt, quy hoạch không đồng bộ. Việc điều chỉnh quy hoạch lại rất đơn giản, dẫn đến trong thực tế áp dụng Luật Quy hoạch, không tuân thủ nghiêm ngặt đề án quy hoạch dẫn đến phá vỡ đề án. Nhiều dự án treo đã cho thấy sự bất cập ngay từ ban đầu, do chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố khi lập quy hoạch, từ nguồn lực đến yếu tố về văn hoá, xã hội, con người, điều kiện đáp ứng được môi trường, ngân sách, nguồn lực để triển khai quy hoạch đó. 

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là đất được giao cho các nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai thực hiện. Nhiều nhà đầu tư khi nhận đất không có mục tiêu, mục đích để triển khai thực hiện. Việc này gây ra hệ luỵ rất lớn cho kinh tế xã hội, đời sống của người dân. Đối với người dân nằm trong vùng dự án, khi chưa di dời, thì họ không được sửa, chữa nhà cửa, không được xây cất, điều kiện sống rất khó khăn, điều kiện về điện, nước cũng rất khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, về mặt pháp lý cần phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản liên quan đến đất đai, quy hoạch, nhà ở, bất động sản để tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập, không phù hợp với thực tiễn chưa được tính đến khi soạn thảo luật. Bên cạnh đó, cần phải có tính dự báo trong xây dựng pháp luật, tránh “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Nhấn mạnh quy hoạch là phải "đi trước một bước", phải quy hoạch tốt thì mới triển khai tốt, đại biểu Hoàng Anh Công nêu rõ cần đẩy mạnh giám sát, tăng cường hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quy hoạch, xây dựng, xử lý nghiêm những vi phạm về xây dựng, quy hoạch./.

Minh Hùng

Các bài viết khác