Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho ý kiến
Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, sau 15 năm thực hiện, Luật hiện hành đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội, của cộng đồng, tạo hành lang pháp lý cho việc phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh mặt tích cực, trong thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập, cần sửa đổi Luật để phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi vấn nạn này diễn biến rất phức tạp. Đồng thời, cần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong vấn đề phòng ngừa bạo lực, hỗ trợ nạn nhân, xử lý giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình, khắc phục những tồn tại trong phối hợp liên ngành tạo điều kiện đảm bảo thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong tình hình mới, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đại biểu đánh giá, hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về các nội dung cụ thể, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, trong giải thích từ ngữ, có một số nội dung định nghĩa từ ngữ, thuật ngữ chưa được giải thích rõ ràng. Cụ thể, trong Dự thảo Luật, định nghĩa “bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại, có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”. Trong quy định của Luật Hôn nhân, gia đình năm 2014, gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau. Như vậy, thành viên gia đình sẽ không bao gồm người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 4 trong Dự thảo Luật lại quy định hành vi bạo lực gia đình bao gồm cả các hành vi đối với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung phần giải thích thuật ngữ “thành viên gia đình” để đảm bảo thống nhất cách hiểu về thuật ngữ này trong phạm vi điều chỉnh, áp dụng của luật, tránh mâu thuẫn trong các đối tượng áp dụng của luật.
Mặt khác, đại biểu đề nghị cân nhắc việc mở rộng các đối tượng áp dụng của luật bao gồm người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng, vì hành vi bạo lực phát sinh giữa những đối tượng không phải thành viên gia đình này đã được các luật khác điều chỉnh, ví dụ như Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính…Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị giải thích rõ thuật ngữ “người có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình” để làm cơ sở cho việc thực hiện quy định ở khoản 2 Điều 17 Dự thảo Luật về tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình.
Liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đại biểu cho biết, Dự thảo đã liệt kê 16 hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3, Dự thảo Luật định nghĩa, bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại, hoặc khả năng gây tổn hại thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với các thành viên trong gia đình. Do đó, để đảm bảo logic trong định nghĩa về bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm của bạo lực gia đình trên các khía cạnh thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý các vụ việc bạo lực gia đình. Đồng thời, cần sắp xếp 16 hành vi bạo lực gia đình theo các nhóm hành vi liên quan đến các khía cạnh thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục.
Về tư vấn phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng, Dự thảo Luật đã quy định việc tư vấn phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng tập trung vào các việc cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền con người, bình đẳng giới. Nhấn mạnh việc tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình là hình thức gần gũi để tiếp cận, giúp đỡ các nạn nhân, đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, xử lý kịp thời các tình huống bạo lực gia đình, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị mở rộng nội dung tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng bao gồm cả tư vấn kỹ năng ứng xử trong gia đình, xử lý các tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cách thoát khỏi tình trạng bạo lực gia đình, cách tổ chức đời sống gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình, trị liệu tâm lý, các biện pháp phòng ngừa bạo lực…
Trong Dự thảo Luật có quy định UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban các cấp và các tổ chức thành viên hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho người thực hiện tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng. Đại biểu cho rằng việc hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho những người thực hiện tư vấn là việc rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn. Để đảm bảo chất lượng công tác tư vấn, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về các hướng dẫn, nội dung hướng dẫn, các cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn tài liệu, các cơ quan tổ chức hướng dẫn như thế nào? các tổ chức thành viên ra sao? Đồng thời, cần quy định thống nhất trên toàn quốc để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Ngoài ra, về vấn đề cấm tiếp xúc đối với người gây ra bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng, trên thực tế, nếu người bị bạo lực gia đình là người phụ thuộc vào người có hành vi bạo lực gia đình, thì về mặt tâm lý sẽ luôn e sợ, e ngại, nên rất khó khăn để thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Để biện pháp này trở nên khả thi, đại biểu cho rằng Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình, Tòa án nhân dân đang thụ lý, giải quyết vụ án dân sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình căn cứ vào tính chất vụ việc sẽ quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình và các thành viên khác trong gia đình./.