ĐBQH TRẦN VĂN LÂM: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỪNG CƠ QUAN TRONG VIỆC GIẢI NGÂN CHẬM CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

12/05/2022

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng: Mấu chốt của giải quyết thực trạng giải ngân các dự án trọng điểm còn chậm là cần sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành của Chính phủ; việc phân cấp, phân quyền, các cơ quan chức năng với việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo, cán bộ đứng đầu từng cơ quan, đơn vị phải rõ ràng.


Tại Phiên họp lần thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022. Theo báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 18,48% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn trong nước đạt 19,57%. Tuy nhiên, vẫn còn 17 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. 

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tình hình giải ngân vốn đầu tư hiện rất khó khăn, 3 tháng mới được 11%, đây là vấn đề lớn, cần xem xét, đánh giá rất kỹ. Với các dự án đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải kết hợp hài hoà về nguồn vốn, làm sao để việc giải ngân vốn đạt hiệu quả, triển khai những dự án có tính chiến lược, đặc biệt những dự án có tính liên kết vùng. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ cần giải trình rất kỹ trước Quốc hội về việc chậm trễ điều hoà vốn.


 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đưa ra quan điểm về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng: Mấu chốt của giải quyết thực trạng giải ngân các dự án trọng điểm còn chậm là cần sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành của Chính phủ; việc phân cấp, phân quyền, các cơ quan chức năng với việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo, cán bộ đứng đầu từng cơ quan, đơn vị phải rõ ràng.

Phóng viên: Đại biểu có thể nhận xét về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022?

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Năm 2021, chỉ số kinh tế-xã hội cho thấy đạt kết quả tốt hơn so với dự báo và báo cáo với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Kết quả đó đã phản ánh hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó là các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách cũng khả quan, như việc thu ngân sách vượt cao so với dự toán.

Những cân đối lớn của nền kinh tế đều được giữ vững, bảo đảm và nâng cao hệ số an toàn, đặc biệt là các chỉ tiêu về an toàn nợ công, nợ Chính phủ. Nhìn tổng thể, các chỉ số kinh tế-xã hội đã có những dấu hiệu khả quan, tạo được niềm tin với Nhân dân cũng như với các nhà đầu tư nước ngoài. Các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận những triển vọng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong trước mắt và trong dài hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong năm 2021, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, bất động sản lại cho thấy có dấu hiệu bất thường do một số đối tượng thực hiện để gây “nhiễu” thị trường với mục đích trục lợi qua các hoạt động đầu cơ. Vì thế, nhiều nguồn lực không được đầu tư vào phát triển kinh tế-xã hội.

Về lĩnh vực y tế, thiết bị phòng chống dịch bệnh Covid-19, có thể nói, trong quá trình tập trung phòng chống dịch bệnh, nước ta phải dành nhiều nguồn lực để mua sắm trang thiết bị nhưng việc sử dụng chúng một cách hiệu quả chưa dành được sự quan tâm thỏa đáng. Lợi dụng thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, một số cá nhân, đơn vị đã có các hành vi tham nhũng, trục lợi, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, sinh phẩm…


Đại biểu Trần Văn Lâm-Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Về các lĩnh vực khác trong xã hội, trong năm 2021, vẫn còn những bất cập trong việc giảng dạy-học tập trực tuyến, người lao động bỏ đóng bảo hiểm, rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay một số tệ nạn xã hội gia tăng. Đây là những bất cập mà chúng ta còn thiếu dự báo một cách đầy đủ và chưa có giải pháp căn cơ giải quyết kịp thời.

Trên lĩnh vực tài chính ngân sách, việc tăng thu ngân sách vượt dự toán rất cao nhằm góp phần phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị, công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tăng thu ngân sách lại vượt cao hơn so với dự báo năm 2019 nhưng xây dựng dự toán năm 2022 lại rất thấp nên các nguồn lực của ngân sách lại không được bố trí sử dụng một cách hiệu quả, kịp thời.

Phóng viên: Trong Phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm còn chậm. Quan tâm của đại biểu về vấn đề này cũng như đề xuất giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Một trong những yếu kém lớn nhất của việc sử dụng ngân sách năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm chạp. Theo đó, chúng ta có tiền nhưng không tiêu được, có nguồn lực nhưng không bố trí vào đầu tư xây dựng cơ bản được. Điều này đã không tạo được đà cho tăng trưởng kinh tế-xã hội theo đúng tiềm năng. Cho đến nay, việc phân bổ vốn ngân sách cũng chưa hết theo quy định, 3 chương trình Mục tiêu quốc gia thì đến Phiên họp Thường vụ Quốc hội lần này mới xem xét được. Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội với số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư vẫn chưa có danh mục để giao vốn. Tốc độ triển khai giải ngân mới được 11% so với dự toán cho thấy thách thức trong thời gian tới là rất lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, trong các Báo cáo của Chính phủ đều có nhắc đến các giải pháp như: đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, quy định rõ trong phân cấp, phân quyền của các đơn vị, cá nhân… Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mấu chốt của giải quyết thực trạng giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm còn chậm là cần sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành của Chính phủ; việc phân cấp, phân quyền, các cơ quan chức năng với việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo, cán bộ đứng đầu từng cơ quan, đơn vị phải rõ ràng.

Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm, hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Chứ không phải là họ cứ đổ cho các yếu tố khách quan và các cơ quan lại bỏ qua, rồi sang năm lại lặp lại như vậy.

Phóng viên: Trong khi việc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm chạp, đại biểu có ý kiến như thế nào về vai trò của các địa phương đối với việc tháo nút thắt cho vấn đề này?

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Có thể nói, giải ngân cơ bản ở một số địa phương khá tốt. Tuy nhiên với những công trình thuộc trách nhiệm giải ngân của các Bộ ngành Trung ương, những Bộ có nguồn vốn lớn thì còn khó khăn. Vì công trình, khối lượng công việc lớn nhưng con người còn hạn chế, địa bàn còn dàn trải, tính chất phức tạp còn nhiều nên các Bộ ngành phải có những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Nếu như chúng ta có sự tin tưởng, thống nhất để ủy quyền, phân cấp, giao nhiều hơn nữa cho các địa phương giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản mà do các Bộ ngành quản lý, có trách nhiệm thì việc giải ngân sẽ khả thi hơn. Bởi vì các địa phương ít phải lo lắng đến việc phối hợp với nhiều cơ quan chức năng và họ lại nắm rõ tình hình thực tế của địa phương hơn nên dễ dàng triển khai thực hiện các dự án đầu tư hơn.

Theo tôi, những dự án mang tầm quốc gia, có vị thế chiến lược thì nên giao trách nhiệm cho các cơ quan Trung ương thực hiện. Còn những dự án nào mà địa phương có thể thực hiện được thì nên giao cho địa phương đó triển khai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan