Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Viêng chăn, bắt đầu chuyến thăm chính thức CHDCND Lào
Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp và đã trở thành tấm gương mẫu mực về sự gắn kết thủy chung, son sắt giữa hai Đảng, hai dân tộc không ngừng đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tiến hành các hoạt động kỷ niệm quan trọng trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 - 18.7.2022), chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước.
Theo dõi sự kiện ngoại giao quan trọng này, PGSTS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, chuyến thăm có ý nghĩa chính trị rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Đồng thời, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các hoạt động ngoại giao song phương khác của các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân hai nước, để từ đó chúng ta có thêm tin tưởng vào một năm 2022 thực sự là dấu mốc mới, giúp cũng cố vững chắc thêm mối quan hệ thủy chung, son sắt Việt Nam – Lào.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Phóng viên: Theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane từ ngày 15 - 17/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội lên đường sang thăm chính thức CHDCND Lào. Theo dõi sự kiện ngoại giao quan trọng này, đại biểu có kỳ vọng gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tiếp theo chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cuối năm 2021, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đến Lào không chỉ mang ý nghĩa đáp lễ ngoại giao đơn thuần mà còn thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết:
''Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Tình cảm đặc biệt ấy được kết tinh từ lịch sử gắn bó lâu đời, văn hóa nhiều nét tương đồng và đặc biệt những năm tháng cùng sát cánh bên nhau, viết nên những trang sử hào hùng và cùng nhau xây dựng đất nước. Vì thế, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết tốt đẹp trở thành trách nhiệm và cả niềm tự hào của thế hệ hiện tại.
Năm 2022 là Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022 với nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng như 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2022), chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chắc chắn sẽ tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn dành mọi ưu tiên cao nhất và coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước. Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng, chuyến thăm này sẽ tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là Quốc hội hai nước trong trao đổi kinh nghiệm ở các lĩnh vực xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và phối hợp giám sát triển khai thực hiện pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hợp tác đầu tư phục vụ cho việc phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội của cả hai nước sau đại dịch Covid-19... Kinh nghiệm của mỗi nước sẽ là bài học bổ ích cho nhau trong tất cả các lĩnh vực mà hai bên quan tâm.
Bên cạnh đó, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng có ý nghĩa truyền cảm hứng cho các hoạt động ngoại giao song phương khác của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân hai nước, để từ đó chúng ta có thêm hy vọng vào một năm 2022 thực sự là dấu mốc mới, giúp cũng cố vững chắc thêm mối quan hệ thủy chung, son sắt Việt Nam – Lào.
Phóng viên: Cùng với những kết quả hết sức tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam - Lào, quan hệ giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được thúc đẩy, triển khai đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước. Với với trò là đại biểu Quốc hội khóa XV, PGS.TS quan tâm đến nội dung gì nhằm tăng cường hợp tác giữa hai Quốc hội trong thời gian tới?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Thời gian qua, quan hệ giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được thúc đẩy triển khai đồng bộ, hiệu quả với hình thức linh hoạt cả trực tuyến và trực tiếp, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã điện đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và thăm chính thức Việt Nam (tháng 12.2021). Hai Quốc hội khóa mới tiếp tục thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn là Chủ tịch Nhóm; và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Lào - Việt Nam do Bí thư trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachak làm Chủ tịch Nhóm.
Hai Bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước. Hai bên đã hình thành cơ chế hợp tác giữa đại biểu Quốc hội trẻ, nữ đại biểu Quốc hội hai nước; cơ chế hợp tác thường niên giữa các Ủy ban, hai Văn phòng Quốc hội/Ban Thư ký của hai Quốc hội,...
Một trong những hình thức hợp tác rất thiết thực, hiệu quả, tạo dấu ấn trong hợp tác giữa hai Quốc hội là việc hai bên tổ chức các Hội thảo chuyên đề trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, hai bên còn tổ chức các khóa bồi dưỡng đại biểu, tập trung vào các chính sách, pháp luật về hoạt động của HĐND (giúp Lào xây dựng lại hệ thống HĐND cấp tỉnh). Hai Quốc hội của hai nước đã tiến hành giám sát chung rất hiệu quả chuyên đề “Tình hình thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”;...
Quốc hội Việt Nam và Lào đều bắt đầu nhiệm kỳ mới với những thời cơ và thách thức mới, vì vậy chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ mở ra những định hướng mới, quan trọng trong thời gian sắp tới. Bên cạnh hoạt động lập pháp, một vấn đề đang đặt ra cho cả hai nước là phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch nên là chủ đề quan tâm trao đổi giữa hai bên. Dịch bệnh Covid-19 là một thảm họa toàn cầu, chưa có tiền lệ nên chúng ta cần có những giải pháp chưa có tiền lệ, cần sự hợp tác quốc tế để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề mang tính toàn cầu như vậy. Nhờ có mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, chúng ta có thêm niềm tin và sự quyết tâm để vượt qua những khó khăn, thậm chí biến những thách thức từ dịch bệnh trở thành cơ hội cho sự thay đổi mô hình, tư duy phát triển đất nước cũng như các vấn đề khác.
Song song với đó, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng, một số kinh nghiệm hay, bài học quý mà chúng ta có được gần đây như việc tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc, quan tâm nhiều hơn đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa,... để văn hóa chứng minh sức mạnh của mình trong việc bảo vệ chủ quyền, quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng sức mạnh mềm, đem lại lợi ích kinh tế cho sự phát triển đất nước, cũng có thể là chủ đề trao đổi và tạo ra sự hợp tác mới giữa hai nước.
Phóng viên: Sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phong phú, đa dạng, không ngừng được củng cố, phát triển và nâng tầm. Vậy theo quan điểm của đại biểu trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục cần có hình thức hợp tác, tuyên truyền như thế nào để thế hệ trẻ hai nước kế thừa, bảo vệ và không ngừng phát huy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai dân tộc?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Chúng ta có mối quan hệ truyền thống vĩ đại giữa hai nước. Mối quan hệ ấy sẽ được củng cố nhiều hơn, vững chắc hơn thông qua các hoạt động văn hóa, giáo dục. Không phải ngẫu nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đều xem hoạt động văn hóa, giáo dục là quảng bá sức mạnh mềm, tạo nên tình cảm yêu mến giữa nhân dân hai nước. Chính vì lý do đó, hợp tác về/bằng văn hóa, giáo dục cần được xem là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết, chia sẻ, gắn bó giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, nhằm kế thừa, bảo vệ và không ngừng phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hoạt động trao đổi giáo dục giữa hai nước dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau, không chỉ nguồn lực từ phía Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, mà còn cả từ toàn xã hội, trong đó có các cơ sở giáo dục, đào tạo và doanh nghiệp. Khi hai dân tộc cùng nhau chia sẻ kiến thức, về văn hóa và lịch sử, cũng là lúc chúng ta cảm nhận sự gần gũi/gắn kết nhiều hơn. Nhiều cán bộ, trong đó có lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào, là những người có thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam. Họ chính là những nhịp cầu nối tình cảm nhân dân hai nước. Tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật, các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tổ chức các nghiên cứu chung giữa hai nước cũng là cách để chúng ta tạo thêm sự gắn bó.
Cần phát huy hơn nữa hợp tác giữa các tổ chức văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam với Lào, đặc biệt là phát huy vai trò của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào. Các hoạt động này cần được tuyên truyền rộng rãi, bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, nhất là trên mạng Internet, để lan tỏa tinh thần quý báu trong hành trang quan hệ đặc biệt giữa hai nước, từ đó tiếp tục vun đắp thêm tình hữu nghị - tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền lại cho muôn đời sau.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội!