Thời gian qua, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã đạt được một số kết quả tích cực. Với việc thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số DN đang hoạt động trong cả nước tính đến thời điểm 31/12/2020, nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt được kết quả như mong muốn. Các kết quả thống kê cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa và chưa hoàn thành thoái vốn. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp.
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cho rằng, tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, không hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch. Cụ thể, chỉ có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt 28,4% theo kế hoạch, số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hoá theo kế hoạch; triển khai thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg chỉ đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị phải thoái vốn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước không đạt ở 02 nội dung: Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn; Thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư...
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
Tiến độ trên thực tế thường bị chậm ở ngay khâu thống kê, đo đạc địa chính; nhiều trường hợp không được địa phương phê duyệt phương án do hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ, không thống nhất về phương án sử dụng đất, về đo đạc diện tích đất, về sự phù hợp với quy hoạch. Có trường hợp doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất từ hàng chục năm nay nhưng vẫn không có tài liệu chứng thực hợp pháp.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vẫn còn tình trạng không xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa hoặc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng đất khi hồ sơ pháp lý về đất đai chưa bảo đảm; phương án sử dụng đất được phê duyệt chưa đầy đủ diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng; phương án sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không nêu rõ hình thức sử dụng đất sau cổ phần hóa; khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, còn có trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn có thể kéo dài, có thể xảy ra thất thoát và vì vậy gây bức xúc trong dự luận, khiến dư luận hiểu sai về cổ phần hóa. Trong khi đó, giá trị quyền sử dụng đất chỉ gia tăng khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa không thay đổi, vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, việc đưa phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn chưa rõ sự cần thiết, gây khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, trong khi việc rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, được thực hiện cả trước và sau cổ phần hóa, để bảo đảm mục đích, hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và tránh thất thoát trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vì hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau khi cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nên giá trị quyền sử dụng đất không gia tăng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn mà chỉ khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo đại biểu, sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa vì rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn./.