ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG THANH: TẬP TRUNG GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN AN TOÀN, BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

02/06/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, việc tổng kết việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại hội trường, bày tỏ đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu rõ, 4 tháng đầu năm 2022 tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành những chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn. Về cơ bản tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, khẳng định những chủ trương trong thời gian qua là đúng đắn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Đồng tình với những nhận định thẳng thắn, trách nhiệm về những hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới mà Chính phủ đã đề cập trong báo cáo, song trước một số vấn đề nổi lên về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đại biểu cho biết, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ, với sự tăng trưởng như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp. Nhưng cùng với sự tăng trưởng nóng đó là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm. Cùng với đó, đến nay nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên dễ đối mặt với rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn. Ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo rủi ro. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, qua những vụ việc như Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đại biểu chỉ rõ, đó là: Điều kiện phát hành còn lỏng lẻo, tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt, hiệu quả, phát hành trái phiếu nhưng sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, quá trình phát hành trái phiếu phát sinh các hành vi vi phạm, không minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo công khai liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, còn nhiều cá nhân đầu tư chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường, mua bán theo tin đồn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được an toàn, bền vững, đại biểu kiến nghị một số giải pháp như sau:

Một là, Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành, như: Về điều kiện để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có tài sản đảm, bảo bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi một tổ chức độc lập. Cần có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhưng Nhà nước cũng phải có cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức này. Cần sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính. Có những sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền huy động đúng mục đích. Cơ quan chức năng cũng cần có quy định khoa học, chặt chẽ để kiểm soát, giám sát mục đích, hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu do doanh nghiệp huy động bổ sung. Cụ thể hóa và đề cao hơn nữa quy định về trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan. Sửa đổi, bổ sung quy định và nâng cao năng lực của nhà đầu tư cả về năng lực tài chính và năng lực chuyên môn. Tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức hiểu biết và kỹ năng tài chính khi tham gia thị trường.

Hai là, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm thì khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng không lạm dụng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường, cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm nhưng chưa cấu thành tội phạm thì bên cạnh việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hành chính cũng cần tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế.

Ba là gần đây liên tiếp xuất hiện những sai phạm, rủi ro tiềm ẩn cũng như những thông tin không chính xác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tâm lý, gây lo lắng cho nhà đầu tư, từ đó tiềm ẩn áp lực tiêu cực cho dòng chảy vốn đầu tư xã hội và ổn định chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, những vi phạm đó chỉ là cá biệt, riêng lẻ và việc xử lý nghiêm minh là hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, ổn định thị trường. Bởi vậy, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư, nhất là các quy định của pháp luật, động thái quản lý nhà nước có liên quan để ổn định tâm lý nhà đầu tư và cũng để giúp nhà đầu tư có sự lựa chọn đúng đắn, cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.

Bốn là để tăng tính thanh khoản, quay đồng vốn và chia sẻ hạn chế rủi ro trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung thì cần phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Hiện nay thị trường mua bán nợ nước ta còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý chưa đảm bảo. Do vậy, đòi hỏi thực tiễn đặt ra là chúng ta phải sớm xây dựng khung khổ pháp lý để hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp./.

Bảo Yến