ĐBQH TRẦN THỊ VÂN: XÂY DỰNG KỊCH BẢN ĐIỀU HÀNH GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG NHẰM KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

02/06/2022

Góp ý vào giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, người dân và doanh nghiệp hiện rất lo lắng khi giá tiêu dùng ở cùng một số ngành hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp, nông nghiệp... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá cả thị trường để có để có cơ sở cũng như có các giải pháp cụ thể kiểm soát lạm phát hiệu quả.

Nhất trí với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, đây là những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ, toàn diện và được tính toán kỹ trên cơ sở nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong Báo cáo nhằm đạt được mục tiêu chung và mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5 % mà Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, đại biểu cho rằng, người dân và doanh nghiệp hiện rất lo lắng khi giá tiêu dùng ở cùng một số ngành hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng dầu và kéo theo giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất công nghiệp, nền nông nghiệp cũng như giá lương thực, thực phẩm cũng tăng theo. Điều đó đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã khó khăn khi mà dịch Covid vẫn chưa qua. Đặc biệt, trước bối cảnh xung đột Nga - Ukraine hay là chính sách zero COVID của Trung Quốc, chỉ số CPI của các nước trên thế giới có xu hướng tăng cao, do đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ cần phải phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá cả thị trường, bổ sung các yếu tố tác động bất lợi như thiên tai, dịch bệnh hay xung đột để có để có cơ sở cũng như có các giải pháp cụ thể, phù hợp kiềm chế và kiểm soát lạm phát hiệu quả.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Quan tâm đến lĩnh vực du lịch, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, tháng 1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch Việt Nam. Đây là nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng cho du lịch Việt Nam, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Từ năm 2015, du lịch đóng góp 6,3% GDP; năm 2016 là 6,9; năm 2017 là 7,9; 2018 là 8,3 và năm 2019 trước đại dịch là cao nhất với tỷ lệ là 9,2%, với lượng khách thu hút của quốc tế là 18 triệu khách quốc tế, trong số khách quốc tế thì các khách du lịch chiếm 80% lượng khách quốc tế đi và đến Việt Nam bằng con đường hàng không.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, ngành du lịch và hàng không có thể nói là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID. Mọi hoạt động của hai ngành này gần như đóng băng từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đến các chuỗi cung ứng các dịch vụ. Sau thời gian tạm dừng do COVID có tới 2,5 triệu lao động, trong đó là 800.000 lao động trực tiếp của hai ngành bị mất việc làm. Năm 2022 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, cho đến hết tháng 4/2022, Việt Nam mới chỉ đón được 102.000 khách và con số này so với con số 5 triệu khách rất khiêm tốn và khả năng mục tiêu này rất khó đạt.

Vì vậy, để ngành du lịch và hàng không có thể phục hồi và bứt phá sau đại dịch, đóng góp nhiều hơn vào GDP của năm 2022 cũng như đạt được mục tiêu ngành du lịch đặt ra là 5 triệu khách, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cần có giải pháp miễn thị thực cho du khách nước ngoài, tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày đến 30 ngày, áp dụng thị thực xuất, nhập cảnh nhiều lần cũng như giảm các giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành, du khách, đơn giản hóa trong việc cấp thị thực điện tử e-visa tại các cửa khẩu. Bởi xu hướng hiện nay của khách du lịch chọn những điểm đến có độ mở cao về visa và quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế nhiều nhất. Hiện tại Việt Nam mới miễn thị thực cho 13 nước ngoài khu vực ASEAN, trong khi Thái Lan đang miễn cho 65 nước và miễn tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh. Indonesia miễn tới 30 ngày và nếu gần thời hạn hết hạn mà có nhu cầu thì họ vẫn sẽ gia hạn.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cần xây dựng một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài một cách bài bản và chuyên nghiệp bằng việc áp dụng công nghệ và các tính năng của Facebook hay Zalo, Youtube… Đồng thời tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp cho khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ở bất kỳ đâu trên thế giới một cách thuận lợi nhất.

Với giải pháp này, đại biểu cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục Du lịch đang triển khai, ngày 11/5 vừa qua Tổng cục Du lịch đã làm việc với đại diện của Tiktok triển khai kế hoạch hợp tác truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam, trong đó đề xuất phát triển các tài khoản Tiktok của du lịch Việt Nam, triển khai chiến dịch Hello Việt Nam, khuyến khích người dùng sáng tạo các nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam để chia sẻ trên nền tảng của Tiktok. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, đây là một hướng đi đúng đắn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam chuyên nghiệp hơn./.

Bích Ngọc