GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) - QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ VẪN THANH TOÁN CHO NGƯỜI ĐIỀU TRỊ BỆNH SUY DINH DƯỠNG

06/01/2023

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã khẳng định, hiện nay việc điều trị người bệnh suy dinh dưỡng nói chung và trẻ em suy dinh dưỡng nói riêng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn đang được bảo hiểm y tế thanh toán.

THUYẾT MINH, GIẢI TRÌNH THÊM VỀ DINH DƯỠNG TRONG DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Quy định cụ thể hơn hành vi chỉ định chế độ dinh dưỡng.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Trước đó, dự thảo luật chưa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình 2 kỳ họp do còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau từ đại biểu Quốc hội; một số nội dung chưa phù hợp với thực tế cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, trong đó có quy định về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị ban soạn thảo đề nghị tạo cơ sở pháp lý đề Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ nội dung về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh theo hướng quy định cụ thể hành vi chỉ định chế độ dinh dưỡng. Có ý kiến đề nghị quan tâm tạo cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng); đề nghị xem xét quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em; làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng

Tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần có thuyết minh, giải trình thêm với Quốc hội và một số tổ chức quốc tế về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh để tạo sự thống nhất và đồng thuận cao.

Điều trị cho người bệnh suy dinh dưỡng đang được bảo hiểm y tế thanh toán.

Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã giải trình cụ thể về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), suy dinh dưỡng là bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh suy dinh dưỡng, biểu hiện ở chỉ số cân nặng theo chiều cao rất thấp và biểu hiện nặng nhất là thể gày gò teo đét hoặc dạng phù nề rõ rệt.

Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Chính phủ gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV đã giải trình cụ thể về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay tại Việt Nam không có sản phẩm dinh dưỡng để điều trị bệnh suy dinh dưỡng mà việc điều trị suy dinh dưỡng thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamine, acid amin, protein, lipid, gluco, glucid… mà người bệnh thiếu hụt và được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) một số hoạt động can thiệp về hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em suy dinh dưỡng đã được thực hiện tại một số đơn vị, địa phương.

Qua rà soát cho thấy hiện nay việc điều trị người bệnh suy dinh dưỡng nói chung và trẻ em suy dinh dưỡng nói riêng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn đang được bảo hiểm y tế thanh toán.

Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn đang được thực hiện trong thực tế nên Bộ Y tế nhận thấy việc nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết nhưng không nhất thiết phải quy định về hành vi chỉ định. Việc dự thảo Luật quy định nội dung của hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm hoạt động hướng dẫn về dinh dưỡng đã bảo đảm tính khái quát, theo đó việc hướng dẫn sẽ bao gồm các quy trình, phác đồ điều trị bệnh suy dinh dưỡng cũng như các chỉ dẫn, hướng dẫn chuyên môn về các chế độ dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, Chính phủ thống nhất với việc chỉnh lý nội dung Điều 67 của dự thảo Luật, cụ thể:

"Điều 67. Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và việc tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Khám, đánh giá, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn dinh dưỡng và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh;

b) Giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng".

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký Công văn số 7153 ngày 9/12/2022 về thống nhất nội dung quy định về dinh dưỡng trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trước đó, thực hiện ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bô Y tế đã ban hành Công văn số 7153 ngày 9/12/2022 về thống nhất nội dung quy định về dinh dưỡng trong dự án Luật.

Tháng 10/2022 Bộ Y tế có Công văn số 5926/BYT-PC trong đó đề xuất nội dung quy định về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh tại Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại cuộc họp với Thường trực Ủy ban Xã hội ngày 07/12/2022, Bộ Y tế đề xuất bổ sung cụm từ "hướng dẫn" vào điểm a khoản 2 Điều 67 Dự thảo Luật hiện nay, bỏ cụm từ "sàng lọc" vì trong quá trình khám bệnh đã bao gồm yếu tố sàng lọc và chỉnh lý thành:

1. Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và việc tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: (a) Khám, đánh giá, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn dinh dưỡng và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh;  (b) Giáo dục, truyền thông về dinh dưỡng./.

Lan Hương

Các bài viết khác