ĐBQH TRIỆU THỊ NGỌC DIỄM: MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH ĐỂ QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ SỞ Y TẾ TRONG CÔNG TÁC KHÁM, CHỮA BỆNH

06/01/2023

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh để làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan cũng như bao phủ quản lý được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan công tác khám bệnh, chữa bệnh hiện nay.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

KỲ VỌNG CHÍNH SÁCH CHO Y, BÁC SĨ VÀ BỆNH NHÂN SẼ ĐƯỢC QUAN TÂM HƠN KHI LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) ĐƯỢC THÔNG QUA

Thực hiện Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhận định: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình tại kỳ họp đã tiếp thu tương đối đầy đủ hệ thống các nội dung liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh, vừa đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh, vừa cụ thể hóa nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền, lợi ích, vừa thể hiện đầy đủ nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến hoạt động này.


Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được áp dụng hiệu quả vào cuộc sống, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề xuất Quốc hội xem xét, cân nhắc thêm 3 vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của dự án Luật. Theo đó, dự án Luật chỉ tập trung chủ yếu vào hai nhóm đối tượng chính là người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh, chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình khám bệnh, chữa bệnh và cung ứng dịch vụ y tế có rất nhiều đối tượng tham gia như các cơ quan quản lý công tác khám, chữa bệnh, nhóm cung ứng dịch vụ phi y tế, người nhà bệnh nhân…

Bên cạnh đó, vì chỉ đề cập đến dịch vụ khám, chữa bệnh nên nhiều dịch vụ y tế không phải khám, chữa bệnh nhưng có can thiệp vào cơ thể con người còn bị bỏ trống, chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động. Vì vậy, cần phải xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh để làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan cũng như bao phủ quản lý được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan công tác khám bệnh, chữa bệnh hiện nay.


Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Vấn đề thứ hai, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 của dự án luật, các hành vi bị nghiêm cấm tương đối phản ánh đúng thực trạng hiện nay nhưng chưa nêu rõ ràng chủ thể của từng hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi nào là hành vi nghiêm cấm chung, hành vi nào của chủ thể người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hành vi nào của chủ thể cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hành vi nào là của chủ thể bệnh nhân, thân nhân của người bệnh. Có những hành vi còn chung chung, thiếu chủ thể, nội hàm còn khá rộng. Do đó, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm kiến nghị Ban soạn thảo xem xét và biên tập theo hướng quy định phân chia cụ thể, chặt chẽ theo nhóm đối tượng để đảm bảo tính pháp lý, vì điều này có liên quan trực tiếp đến cơ chế xử lý khi các hành vi xảy ra trong các tình huống cụ thể.

Ngoài ra, các quy định về điều chỉnh hành vi của người bệnh và thân nhân người bệnh tuy đã được đề cập và nêu tại Mục 2 Chương II dự án luật nhưng chưa đầy đủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi đối với người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh. Vì vậy, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề xuất cần bổ sung và đưa vào các quy định về hành vi bị cấm đối với người bệnh và người nhà người bệnh một số hành vi như: thoái thác nghĩa vụ, đóng viện phí, gây khó khăn cho cơ sở cấm lưu trú trong cơ sở y tế, không vì mục đích khám, chữa bệnh; cấm sử dụng rượu, bia khi đi khám, chữa bệnh hay gây rối trật tự công cộng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Vấn đề thứ ba là về hình thức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 48 của dự án Luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm cho rằng, theo quy định của Luật, trong hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện chưa bao gồm một số trung tâm, cơ sở khám, chữa bệnh thuộc ngành như cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở khám, chữa bệnh tại các trại giam, trung tâm cai nghiện… nên chưa được cấp giấy phép hoạt động. Tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều 48 vẫn chưa thể hiện rõ và tường minh việc hướng dẫn cấp giấy phép đối với các đơn vị đặc thù trên trong quá trình thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị cần xem xét để bổ sung các cơ sở này vào danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động vì trong thực tế họ vẫn cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, các cơ sở dự phòng bên cạnh công tác phòng bệnh thì vẫn triển khai các hoạt động khám sàng lọc, khám sức khỏe, khám, điều trị bệnh thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời, trong mô hình tổ chức của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng có khoa khám bệnh. Vì vậy, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề xuất cần xem xét để bổ sung các cơ sở dự phòng cần được cấp giấy phép hành nghề nhưng quy mô cung ứng dịch vụ sẽ khác so với các cơ sở khám, chữa bệnh thông thường khác./.

Bích Lan

Các bài viết khác