ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: KỲ VỌNG CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA UBTVQH - CHỈ RÕ VƯỚNG MẮC, KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CỤ THỂ CỦA NGÀNH TOÀ ÁN VÀ KIỂM SÁT

19/03/2023

Quan tâm đến Phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH diễn ra vào ngày 20/3, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ kỳ vọng qua phiên chất vấn này, những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế của lĩnh vực toà án và kiểm sát sẽ được làm rõ, nêu cụ thể những kiến nghị, giải pháp của hai ngành tòa án và kiểm sát để công tác xét xử, kiểm sát thời gian tới ngày càng hoàn thiện.

HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI: XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Theo Chương trình Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, ngày 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên chất vấn sẽ diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội và được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương xung quanh nội dung này. Theo đó, đại biểu kỳ vọng phiên chất vấn này sẽ góp phần tích cực trong việc đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong bối cảnh tội phạm ở nhiều lĩnh vực đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Góp phần tích cực trong việc đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm

Phóng viên: Theo Chương trình Phiên họp thứ 21 của UBTVQH, ngày 20/3, UBTVQH sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về một số nội dung thuộc hai lĩnh vực toà án và kiểm sát. Đại biểu kỳ vọng gì ở phiên chất vấn này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tại phiên họp 21 của UBTVQH, tôi cho rằng những vấn đề được lựa chọn chất vấn thuộc hai lĩnh vực tòa án và kiểm sát đều là những vấn đề khá “nóng” hiện nay. Tại sao lại là vấn đề “nóng”? Vì chúng ta đang đẩy mạnh một cách toàn diện việc phòng chống tội phạm, nỗ lực kiềm chế, giảm tỉ lệ tội phạm trên tất cả các lĩnh vực. Song song với những nhiệm vụ của ngành công an, việc đẩy nhanh và nâng cao chất lượng xét xử, kiểm sát để xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội cũng là một khâu trọng yếu nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, giáo dục và tuyên truyền pháp luật để nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của mỗi người dân. Nhất là trong thời điểm hiện tại, khi tội phạm nhiều lĩnh vực đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn với những thủ đoạn tinh vi hơn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo hàng năm của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trình trước Quốc hội vào kỳ họp cuối năm, công tác tố tụng hình sự của chúng ta vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng xét xử. Có những khó khăn, vướng mắc do sự chưa đồng bộ, toàn diện của hệ thống các quy định; có những khó khăn, vướng mắc do những hạn chế nội tại của ngành.

Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng qua phiên chất vấn này, những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế được làm rõ. Nhất là việc phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế, nêu cụ thể những đề xuất, kiến nghị, những giải pháp cụ thể của hai ngành tòa án và kiểm sát để thời gian tới công tác xét xử, kiểm sát ngày một hoàn thiện hơn, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vào công tác phòng ngừa tội phạm và xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hình thức tổ chức phiên chất vấn linh hoạt, gọn nhẹ, đảm bảo chất lượng

Phóng viên: Đại biểu đánh giá thế nào về hình thức tổ chức phiên chất vấn này tại Phiên họp thứ 21 của UBTVQH?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Về hình thức tổ chức phiên chất vấn, tôi nhận thấy vẫn tiếp tục kết hợp trực tiếp và trực tuyến, trong đó phiên chất vấn được tiến hành trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội và được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của các Đoàn ĐBQH trong cả nước. Đây là cách làm linh hoạt, vừa đảm bảo chất lượng của phiên chất vấn, đảm bảo sự tham gia tích cực của các ĐBQH lại vừa gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả. Tôi cho rằng, cách tổ chức này là hợp lý nhất trong thời điểm hiện tại, thể hiện sự sáng tạo và nỗ lực của Quốc hội trong quá trình xây dựng Quốc hội điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung và mỗi cá nhân ĐBQH nói riêng.

Theo chương trình phiên chất vấn, ngoài Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trả lời chính, còn có Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan… Đây là những cơ quan có mối quan hệ rất mật thiết, vừa phối hợp lại vừa chế ước lẫn nhau trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự. Bởi vậy, những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất… không chỉ nằm trong một cơ quan tòa án hay kiểm sát mà còn liên quan hệ thống đến các cơ quan vừa nêu. Những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế cũng không chỉ nằm ở một cơ quan tòa án hay kiểm sát. Bởi vậy, tôi cho rằng sự tham gia trả lời chất vấn giải trình của các bộ, ngành trên là vô cùng cần thiết và hợp lý.

Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát đã được UBTVQH lựa chọn kỹ lưỡng

Phóng viên: Liên quan đến những nội dung dự kiến được chất vấn thuộc lĩnh vực toà án, đại biểu đánh giá thế nào về việc UBTVQH lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Theo tôi được biết, tại phiên chất vấn này, nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực toà án gồm: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Tôi thấy nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tòa án đã được các ĐBQH và UBTVQH lựa chọn rất kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét thận trọng và tỉ mỉ các báo cáo hàng năm của ngành tòa án và thực trạng công tác xét xử, cả ở những ưu điểm, những kết quả tích cực đạt được lẫn những mặt còn hạn chế, những điều còn vướng mắc. Đây là những nội dung cơ bản, toàn diện để nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ xét xử. Tôi đặc biệt tâm đắc với nội dung chất vấn về việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bởi lẽ phiên tòa trực tuyến là một hình thức xét xử tương đối mới mẻ của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Cho dù một số quốc gia có quy định về xét xử trực tuyến từ khá sớm (tại Áo năm 2004 có những quy định đầu tiên về xét xử trực tuyến, tại Đức từ đầu những năm 2000, tại Ý từ năm 1992…) nhưng phải đến khi dịch Covid bùng phát dữ dội từ năm 2020 cộng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin thì vấn đề xét xử trực tuyến được đặt biệt quan tâm và đẩy mạnh.

Tuy nhiên, với Việt Nam và nhiều quốc gia khác (Hàn Quốc, Trung Quốc…), phiên tòa trực tuyến vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, việc xét xử trực tuyến, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi cũng đã gặp không ít các khó khăn. Phiên chất vấn này cũng như một lần sơ kết quá trình triển khai phiên tòa trực tuyến, đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và là cơ sở cho ngành tòa án có những kiến nghị, đề xuất cụ thể để trong thời gian tới việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội được tích cực, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, các đại biểu tập trung chất vấn về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Quan điểm của đại biểu thế nào về nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề nêu trên? Đồng thời cần lưu ý thêm vấn đề nào khác nữa không, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát. Tuy nhiên, song song với việc chất vấn ngành Tòa án về việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, tôi muốn nội dung chất vấn của lĩnh vực kiểm sát được cụ thể thêm một vấn đề: nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trực tuyến. Bởi lẽ, tranh tụng là hoạt động quan trọng nhất trong xét xử. Khi xét xử trực tuyến, việc tranh tụng giữa các bên chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều và cũng có khác ít nhiều so với phiên tòa trực tiếp truyền thống. Vậy thì làm thế nào để đảm bảo và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trực tuyến cũng là vấn đề cần được quan tâm, lưu ý.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc