Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, sau khi hoàn thiện có bố cục gồm: 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.
Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tại Điều 17 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “ 1. Có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. 2. Có chính sách ưu tiên cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có đất để sản xuất, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức: Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với trường hợp chưa được giao đất để sản xuất;…”
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Quan tâm tới quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, dự thảo luật lần này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về tạo điều kiện để phát triển vùng, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tại dự thảo chỉ quy định đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, so với dự thảo ban đầu đã hạn chế đi phạm vi các đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.
Theo đại biểu người đồng bào dân tộc thiểu số, dù là không có vùng đặc biệt khó khăn thì ở tại những vùng lân cận hoặc các vùng khác thì cũng cực kỳ khó khăn. Như vậy nên chăng là phải mở rộng lại phạm vi, đối tượng được thụ hưởng hính sách chứ không chỉ dừng lại ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là chính sách rất thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu só yên tâm ổn định cuộc sống,…
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thực tế, trong những năm qua thực hiện theo chương trình bố trí đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cũng chịu nhiều tác động ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài cho nên nhiều bà con có đất rồi nhưng lại bán, không sử dụng rồi tiếp tục lại yêu cầu chính quyền, gây áp lực cho chính quyền để giải quyết đất ở, đất sản xuất nữa.
Vì vậy. đại biểu đề nghị, trong quy định của dự luật cần bổ sung thêm vấn đề liên quan tới kiểm soát đất đai khi đã cấp đất cho bà con vùng đồng bào dân thiểu số. Từ đó, đảm bảo chính sách ban hành được thực hiện hiệu quả, và nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sử dụng đất ở, đất sản xuất;…
Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây cũng là nội dung các thành viên của Hội đồng Dân tộc đang rất quan tâm, bởi sau một thời gian tiếp thu, chỉnh lý thì các đối tượng thụ hưởng chính sách bị thu hẹp.
Theo đại biểu, tại khoản 1 Điều 17 chỉnh lý, bổ sung nội dung “thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, nghĩa là phạm vi đã thu hẹp từ toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ còn áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho rằng: Đối với chính sách đất ở cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là phù hợp và thống nhất với chính sách ưu tiên được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 157. Tuy nhiên, đối với chính sách đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu chỉ áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp. Trong thực tế, chỉ có các xã khu vực I (bước đầu phát triển) hoặc đạt nông thôn mới đã cơ bản bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng, còn nhiều xã khu vực II chưa bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng, do đó nếu không có ưu tiên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện đối với địa bàn này.
"Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì khu vực một, khu vực hai việc thiếu đất sản xuất rất. Vấn đề này cũng đã được đề cập tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội và chất vấn Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là chỉ đề cập tới đối tượng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu giữ theo quy định cũ của Luật năm 2013...", đại biểu Lưu Văn Dức kiến nghị.
Cũng theo đại biểu, tại khoản 2 Điều 17, về việc thay đổi đối tượng chính sách, từ “trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp” thành “cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, nghĩa là phạm vi từ khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (cả 3 khu vực) thu hẹp chỉ còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhưng Chính phủ không có lý giải nguyên nhân và Báo cáo đánh giá tác động của chính sách không đề cập đến nội dung này. Trong thực tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nghèo là đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ về đất sản xuất (nếu địa phương có quỹ đất) hoặc đào tạo chuyển đổi nghề (nếu địa phương không có quỹ đất) để tạo sinh kế, có thu nhập, ổn định cuộc sống. Với nội dung chỉnh lý như dự thảo Luật thì đối tượng (hộ gia đình, người nghèo dân tộc thiểu số) tại các xã khu vực I, II không được hưởng chính sách. Quy định này có thể sẽ có tác động tương tự như Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ , khi phân định xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi(theo 03 khu vực) đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách đối với nhiều đối tượng tại các địa bàn bị điều chỉnh.
Từ đó, đại biểu kiến nghị, Khoản 2, Điều 17 cần kế thừa quy định của Luật năm 2013 và cụ thể đối tượng là hộ gia đình nghèo, người nghèo. Đề nghị viết lại như sau: “Có chính sách tạo điều kiện ưu tiên đối với cho đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp, bảo đảm sinh kế thông qua các hình thức:...”.
Đồng thời, xem xét điều chỉnh chính sách đất ở đối với cá nhân từ khoản 1 chuyển sang khoản 2 để: (i) Khoản 1 quy định chính sách về đất cho cộng đồng và (ii) Khoản 2 quy định chính sách về đất cho hộ gia đình, cá nhân. Bổ sung vào khoản 2 nguyên tắc 01 đối tượng chỉ được hưởng 01 chính sách và chỉ được hưởng 01 lần.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, trong tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội khóa XV sẽ dành 01 ngày làm việc (ngày 21/6) thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi./.