ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: CẦN QUY ĐỊNH RÕ NỘI DUNG VỀ BẢO MẬT THÔNG TIN TRONG DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI)

31/07/2023

Góp ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, cần quy định rõ trong dự thảo Luật các nội dung về bảo mật thông tin cá nhân của công dân.

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ, NGƯỜI GIÁM HỘ TRONG VIỆC SỬ DỤNG, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CHO NGƯỜI DƯỚI 14 TUỔI

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre 

Trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Căn cước có bố cục gồm 07 chương, 46 Điều (trong đó, so với Luật Căn cước công dân năm 2014 thì dự thảo Luật đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 07 điều. Việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Hầu hết các đại biểu cơ bản trí sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Tham gia góp ý về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, đại biểu thống nhất việc bổ sung người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (gọi tắt là người gốc Việt Nam) vào đối tượng điều chỉnh của Luật.

Đại biểu cho rằng việc bổ sung nhóm đối tượng này thể hiện quan điểm nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có giấy tờ chứng minh, chưa được công nhận là công dân Việt Nam. Theo đại biểu, tên của dự thảo Luật nên được giữ nguyên như Luật hiện hành là Luật Căn cước công dân sẽ phù hợp hơn.

Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, đại biểu Thủy đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Hộ tịch, Luật Cư trú để quy định cho thống nhất. Các luật này đều yêu cầu công dân phải cung cấp một số loại thông tin nhất định nhưng mỗi luật có yêu cầu khác nhau, đến dự thảo Luật Căn cước cũng tiếp tục yêu cầu công dân cung cấp thông tin, do đó, cần rà soát để quy định cho chặt chẽ, đồng thời có thể tích hợp các thông tin, tránh yêu cầu nhiều lần gây phiền hà cho người dân.

Về bảo mật thông tin, đại biểu Thủy cho rằng dự thảo Luật yêu cầu công dân cung cấp nhiều thông tin cá nhân nhưng quy định về bảo mật thông tin còn sơ sài, chưa chặt chẽ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về bảo mật chi tiết hơn, quy định rõ những ai được quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận mức độ nào, quyền truy cập…để tránh lộ, lọt thông tin cá nhân của công dân. Đại biểu cũng cho rằng quyền đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân là quyền con người, được Hiến pháp bảo hộ, do đó, các nội dung liên quan đến thông tin cá nhân đề nghị Ban soạn thảo nên đưa vào quy định rõ trong Luật, không giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo công khai, minh bạch.

Đặc biệt, về việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu cho biết, theo quy định của dự thảo Luật thì người từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Đại biểu Thủy cho rằng trong điều kiện hiện nay, dự thảo Luật nên tập trung vào việc cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên và Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, nên tập trung quản lý tốt hai nhóm đối tượng này, sau đó mới tính đến việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi./.

Thu Phương