PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÊM VÀ THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ

31/07/2023

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, song song với việc giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Đề án này cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức về công tác kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng trong thời gian tới.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TẬN DỤNG LỢI THẾ, PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - QUYẾT TÂM VÀ KỲ VỌNG!

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN THÚC ĐẨY HÌNH THÀNH CÁC QUỸ TÍN THÁC CHO HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TẠI VIỆT NAM

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Phóng viên: Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia phát triển tốt mô hình “du lịch đêm”. Ông có thể cho biết thực trạng và tiềm năng của mô hình du lịch này ở đất nước chúng ta hiện nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Như chúng ta đều biết, dù du lịch Việt Nam rất phát triển nhưng du lịch đêm vẫn là một điểm yếu khi chúng ta chưa có những mô hình tốt, sản phẩm phù hợp để phát huy tiềm năng và lợi thế của du lịch của đất nước.

Tôi cho rằng, du lịch đêm giúp tăng cường tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm, góp phần tăng cường doanh thu và thuế cho chính phủ, thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch; có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách. Các hoạt động, nhà hàng, khách sạn và điểm tham quan mở cửa vào ban đêm tạo ra nhiều công việc mới và đa dạng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Lễ hội ánh sáng hàng năm ở thành phố Lyon (Pháp) thu hút khách du lịch khắp thế giới

Bên cạnh đó, du lịch đêm cũng tạo nên một không gian văn hóa mới và độc đáo, cho phép khách du lịch tương tác với văn hóa địa phương. Hoạt động văn hóa, lễ hội đặc biệt và sự kiện giúp quảng bá và bảo tồn văn hóa truyền thống, nghệ thuật và ẩm thực của địa phương. Ngoài ra, du lịch đêm mang lại trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Một số điểm đến và địa phương chỉ thực sự tỏa sáng và sống động vào ban đêm, với ánh sáng, âm nhạc và hoạt động đặc biệt, giúp tăng cường trải nghiệm du lịch và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho du khách…

Chính vì những lợi ích trên, các nước có ngành du lịch phát triển mạnh đều tăng cường đầu tư vào du lịch đêm. Ví dụ như Pháp, du lịch đêm là một phần quan trọng của ngành du lịch Pháp. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 133,3 tỷ EUR (~157 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp 9,7% vào GDP của Pháp. Đối với Nhật Bản, du lịch đêm đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Năm 2018, du lịch đêm đã đóng góp khoảng 1,1% vào GDP của Nhật Bản, tương đương với 2,3 nghìn tỷ JPY (~21 tỷ USD). Du lịch đêm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỷ Baht (~63 tỷ USD), chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp khoảng 2% vào GDP của Thái Lan. Trong khi đó, Du lịch đêm cũng là một ngành công nghiệp phát triển ở Malaysia. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 82,2 tỷ ringgit (~20 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp hơn 5% vào GDP của Malaysia…

Phóng viên: Ngày 14/7/2023 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Quan điểm của ông đối với Đề án này như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Những con số đóng góp của du lịch đêm tại các quốc gia tôi vừa kể trên chính là động lực để chúng ta có những hoạt động tích cực trong việc phát triển du lịch đêm, và việc ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua chính là một bước đi cụ thể hóa mong muốn trên.

Đề án nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đồng thời khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tại Việt nam, một số điểm du lịch địa phương chỉ thực sự tỏa sáng và sống động vào ban đêm, có thể tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho du khách…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cũng cần lường trước được rằng, việc triển khai Đề án này cũng sẽ gặp những khó khăn mà chúng ta cần giải quyết, không chỉ liên quan đến các quy định của pháp luật, mà ngay cả thói quen kinh doanh, phục vụ du lịch của chúng ta.

Thứ nhất, Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm có thể tạo ra thêm khó khăn trong việc quản lý hoạt động du lịch. Khi du lịch mở rộng sang ban đêm, cần có sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự công cộng, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cư dân địa phương.

Thứ hai, để triển khai thành công du lịch đêm, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng như chiếu sáng đường phố, các tiện ích công cộng, và giao thông công cộng để đảm bảo sự thuận lợi và an toàn cho du khách. Điều này có thể đòi hỏi đầu tư tài chính và công sức đáng kể từ các địa phương, cộng đồng và các công ty du lịch lữ hành.

Thứ ba, du lịch đêm có thể gây ra tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân địa phương. Việc kiểm soát tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng trở thành một thách thức đối với các bên liên quan.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rẳng, song song với việc giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển du lịch đêm cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức về công tác kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng trong thời gian tới

Thứ tư, sự phát triển du lịch đêm có thể dẫn đến một lượng lớn du khách đổ về các điểm đến vào buổi tối, gây tắc nghẽn giao thông và quá tải các điểm du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng trải nghiệm du lịch của du khách và gây căng thẳng với cộng đồng địa phương.

Thứ năm, để đáp ứng nhu cầu của du lịch đêm, cần đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân lực trong ngành du lịch, từ nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch đến các dịch vụ liên quan khác.

Cuối cùng, tôi tin rằng mỗi ánh sáng đêm là cơ hội mới để Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm sẽ không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đầy kỳ vọng cho du khách mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của đất nước. Từ những cung đường mòn đèn lồng lung linh, đến dạo chơi phố phường trong ánh đèn và nhịp sống vui nhộn, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ khi bình minh len lỏi, mà còn khi đêm buông xuống. Đề án này cũng đánh thức tinh thần sáng tạo và cống hiến của người dân và doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Chúng ta có cơ hội xây dựng thương hiệu du lịch vượt trội, truyền cảm hứng và chinh phục các thị trường quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương

Các bài viết khác