THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI VỀ GIẢM 2% THUẾ VAT MỘT MŨI TÊN TRÚNG NHIỀU ĐÍCH

12/08/2023

Thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 về chính sách giảm thuế giá trị giá tăng, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.Theo đó, hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% được giảm còn 8%, thời gian áp dụng từ 01/7 đến 31/12/2023. Các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết của Quốc hội được ví như mũi tên trúng nhiều đích, kịp thời tiếp sức cho ngừoi dân và doanh nghiệp.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢM THUẾ GTGT - THỜI GIAN ÁP DỤNG PHẢI ĐỦ ĐỂ CHÍNH SÁCH ĐI VÀO CUỘC SỐNG

VAT giảm 2%, nhiều hàng hóa giảm giá mạnh, sức mua tăng

Khi Quốc hội vừa thông qua nghị quyết chung của kỳ họp, nghị quyết giảm 2% thuế VAT còn 8%, không những người dân mà các doanh nghiệp đều vui mừng khi triển khai. Nhiều đơn vị bán hàng đã sẵn sàng áp dụng chính sách này để người dân được hưởng lợi trực tiếp. Ngoài ra, các nơi còn có nhiều chương trình khác để hỗ trợ người tiêu dùng. Từ đó, nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đã sẵn sàng khởi động các chương trình khuyến mãi để áp dụng mức thuế giảm 2%. Song song đó cũng điều chỉnh giá bán để khách hàng hưởng lợi. Hầu hết đều áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng nhu yếu phẩm gia đình để hỗ trợ người tiêu dùng. Theo đó các sản phẩm giảm giá gồm thực phẩm, thời trang, hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ…Theo đánh giá từ phía doanh nghiệp, lần thứ hai thuế VAT được giảm 2% đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và giúp doanh nghiệp tái đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nhiều chương trình khuyến mãi đã được các doanh nghiệp bán lẻ áp dụng nhằm kích cầu (ảnh minh hoạ)

Đánh giá của Bộ Công thương, sau 1 tháng áp dụng giảm 2% thuế VAT, sức mua đã tăng hơn so với tháng trước đó, nhất là trong bối cảnh giá hàng hoá thiết yếu được điều chỉnh tăng. Theo đánh giá của người dân, khi áp dụng giảm thuế VAT 2%, chi tiêu gia đình đã tiết kiệm hơn. Nhiều người dân giờ chọn mua sắm tại siêu thị hơn là mua tại chợ, bởi chính sách giảm giá áp dụng đúng quy định, giúp tiết kiệm đươc khoản chi tiêu hàng tháng. Trong đó, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Sở này đã nhận được 21.000 chương trình khuyến mại của 4.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia. . Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đây đúng là sự chia sẻ lớn với người dân

Như vậy, tính chung 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng thị trường TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại đạt hơn 560.000 tỷ đồng, hơn tăng 7% so với cùng kỳ. Các hoạt động khuyến mãi của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động bán lẻ trong những tháng cuối năm. 

Tính toán cho thấy, việc thực hiện giảm VAT theo nghị quyết 43 đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỉ đồng.  Sau giảm VAT, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ. Theo tính toán từ các chuyên gia, cứ 10 người vào siêu thị, có 7 người được hưởng lợi từ giảm VAT 2% của Chính phủ

Giảm thuế VAT 2%, mũi tên trúng nhiều đích

Theo các chuyên gia, VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Bởi thế, khi giảm thuế VAT, giá cả hàng hóa sẽ giảm. Đáng lưu ý, việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng có hóa đơn, chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Khi đó, chính sách giảm thuế VAT giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng, từ đó kích thích sức mua. Bên cạnh đó, chính sách này còn được ví như “mũi tên trúng nhiều đích”, phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như tăng trưởng kinh tế.

TS.Mạc Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội 

Phân tích về chính sách giảm thuế, TS.Mạc Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, giảm thuế VAT 2% đã thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm, làm tăng cung - cầu trong nước, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Còn theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là thị trường. Trong khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, thì rất cần phải khơi thông thị trường trong nước. Giảm thuế là một trong những biện pháp rất quan trọng hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp là áp dụng chính sách giảm thuế. Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, gánh nặng tăng trưởng bao giờ cũng đặt lên vai thị trường trong nước, việc kích cầu thị trường nội địa là giải pháp vô cùng quan trọng. Việc Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT 2% là một chủ trương đúng đắn và phát huy tác dụng ngay khi thực hiện.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biều Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biều Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong bối cảnh này, chính sách tài khóa cần mở rộng để giúp nền kinh tế thoát đà suy giảm, giải quyết bài toán an sinh xã hội, việc làm.  Giảm thuế VAT 2% là rất kịp thời nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm cần nhìn nhận nhiều mặt tích cực của việc giảm thuế này và kéo dài giảm thuế sang 2024 để thời gian hỗ trợ đủ dài cho doanh nghiệp, tránh chính sách bị giật cục.  Tuy nhiên quy định hiện nay, 31/12 là thời điểm phải quyết toán thuế, xây dựng kế hoạch ngân sách năm sau. Để việc kéo dài chính sách này không bị gián đoạn, Đại biểu Trần Hoàng Ngân  nhấn mạnh Nghị quyết của Quốc hội lần này quy định mở, cho phép Chính phủ giảm thuế tới hết năm 2023 và nếu bối cảnh Chính phủ thấy cần tiếp tục kéo dài thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, không phải chờ tới kỳ họp sau.

Theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP, các nhóm hàng hoá, dịch vụ sau không được áp dụng giảm 2% thuế VAT: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính đánh giá việc giảm thuế VAT trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 01/07/2023 là quyết định rất kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Đầu tiên, đối tượng được hưởng lợi là người tiêu dùng, do đây là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, chứ không phải doanh nghiệp. Giá cả hàng hóa trên thị trường có thể giảm từ 1.5 - 1.7%. Thứ hai là doanh nghiệp. Thứ ba, đối với Chính phủ, Chính phủ hỗ trợ được cho doanh nghiệp cũng như người dân trong nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng. Trên cơ sở đó, thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Khi đó, giá hàng hóa giảm. Đây là yếu tố quan trọng giúp ổn định lạm phát.

Các chuyên gia tính toán, dự kiến việc giảm 2% VAT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỷ đồng. Việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách Nhà nước đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và DN. Đó là một chính sách rất tốt, ổn định lòng dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Giảm thuế xuống thực chất là hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Nếu DN không bị thoái lui khỏi thị trường, có thể phục hồi được do kích cầu tiêu dùng trong nước, khiến cho vòng quay sản xuất của DN được quay trở lại thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước cần phải chia sẻ với DN, để khoan sức dân, để DN có điều kiện phục hồi.

Về mặt điều tiết vĩ mô, tác động tới nền kinh tế, chính sách tác động nhanh gọn, thuận tiện hơn, bởi tính ưu việt của chính sách này tác động đa chiều đến nền kinh tế, làm nền kinh tế phục hồi. Đặc biệt, khi giảm thuế sẽ làm cầu tăng lên, kích cầu hàng hóa lưu thông nhiều hơn, khi đó Nhà nước sẽ thu được thuế GTGT từ lượng hàng hóa dịch vụ tăng lên để bù đắp cho 2% bị thâm hụt. Theo báo cáo, việc thặng dư từ vượt thu ngân sách quý I/2023 cũng tương đương với khoản từ nay tới cuối năm bị hụt thu do giảm 2% GTGT. Như vậy, trước mắt phần ngân sách Nhà nước bù trừ này là cơ sở để thực hiện chính sách giảm GTGT 2% càng sớm càng tốt. Nghị quyết của Quốc hội được ví như "mũi tên trúng nhiều đích", kịp thời tiếp sức cho ngừoi dân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. 

Hải Yến

Các bài viết khác