KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI KỲ HỌP THỨ 6 SẼ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
NGHỊ QUYẾT SỐ 96/2023/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HĐND BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN
Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hình thức hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã 03 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Như thông lệ, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các trưởng ngành là một trong những nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm của cử tri tại kỳ họp thứ 6. Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là phương thức giám sát quan trọng của Quốc hội, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Vì vậy, hoạt động này sẽ được tiến hành khách quan, công khai, minh bạch để cử tri được biết và tham gia giám sát.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Thực hiện quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm hoàn thiện đầy đủ các báo cáo theo thời gian quy định.
Theo đó, tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định sẽ là 49 người. Tuy nhiên, qua rà soát các chức danh và điều kiện tiêu chuẩn cụ thể, sẽ có 44/49 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV.
Về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, việc đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không phải là chỉ tại kỳ họp thứ 6 mà là cả một quá trình từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến bây giờ. Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đảm bảo tính khách quan, không ảnh hưởng đến lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Những nội dung này được xem xét, nhìn nhận và đánh giá trong quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Thực hiện Nghị quyết 96/2023, Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV cũng sẽ ban hành nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm và công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm để cử tri và nhân dân biết. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở, căn cứ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay đầu kỳ họp thứ 6 và sẽ công khai kết quả để cử tri, nhân dân được biết và giám sát là nội dung quan trọng được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm, chờ đợi.
Vừa qua, các đại biểu đã nhận được đầy đủ tài liệu, thông tin về các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đợt này theo đúng quy định về thời gian. Do đó, bản thân tôi cũng như các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng các báo cáo.
Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Do đó, các đại biểu sẽ xem xét, nhìn nhận cả một quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để đưa ra đánh giá một cách chuẩn xác, khách quan, công tâm nhất.
Đây là phương thức giám sát quan trọng, do đó tôi kỳ vọng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đạt được những mục tiêu đề ra. Từ đó, góp phần tạo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của cả bộ máy công quyền cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị./.