ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: ĐÁNH GIÁ CAO NỖ LỰC CỦA CHÍNH PHỦ TRONG THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

23/10/2023

Sáng 23/10, ngay sau khi kết thúc Phiên khai mạc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao những nỗ lực cũng như những kết quả đạt được của Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, KT- XH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu . Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh từ năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, Nhân dân, … tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, ngay sau khi kết thúc Phiên khai mạc, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện các mục tiêu KT-XH thời gian qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi đánh giá rất cao vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của các ngành các cấp thời gian qua trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù, bối cảnh từ năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều;... Ở trong nước, nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập chưa khắc phục, tuy nhiên, với quyết tâm, nỗ lực cao Chính phủ đã đạt được nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó chỉ đạo giảm liên tiếp 04 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện  các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất .

Đồng thời, Chính phủ cũng đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sác ; thành lập 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, động viên, khích lệ  kịp thời.

Mặc dù vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt được, tuy nhiên đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận; thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ thời gian vừa qua.

Phóng viên: Theo đánh giá của đại biểu, đâu là nguyên nhân chủ yếu khiến một số chỉ tiêu ước tính năm 2023 không đạt được?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Theo tôi có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân khách quan.

Tình hình kinh tế thế giới sau ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, hầu hết các nước phục hồi rất chậm. Trong đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, thu hút đầu tư bị hạn chế; xuất khẩu trên tất cả các lĩnh vực so với cùng kỳ là thấp hơn;… Đây là những yếu tố bất lợi, do kinh tế thế giới suy thoái, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản bị ảnh hưởng trực tiếp.

Như vậy, có thể thấy đặt tổng bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ đã ảnh hưởng, gây nhiều  khó khăn, thách thức đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT- XH năm 2023.

Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển KT- XH ngày càng khó khăn hơn. Nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ những diễn biến mới, yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Cụ thể: tình trạng doanh nghiệp ngưng, giải thể cao hơn so với doanh nghiệp đăng ký mới; người lao động mất việc, thất nghiệp nhiều;..

Ngoài ra, một số yếu tố chủ quan khác như: Giá xăng dầu bấp bênh mặc dù có Quỹ bình ổn giá xăng dầu; tình hình năng lượng đặc biệt là điện lưới; Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu; Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến chưa rõ nét;…

Phóng viên: Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, theo đại biểu đâu là giải pháp cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới?

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi cơ bản đồng tình và nhất trí với các giải pháp do Chính phủ đề ra. Trong đó, cần tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, thương mại và chính sách khác; nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần theo dõi sát diễn biến giá năng lượng thế giới, tác động lên lạm phát để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỉ giá. Tăng cường năng lực phân tích dự báo, nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả với các vấn đề mới phát sinh.

Đối với các lĩnh vực khác, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật;..

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, do đó đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt kết quả cao trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác