ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ ĐỊA PHƯƠNG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN, GIẢI NGÂN VỐN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN LÀM RÕ ĐƯỢC ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA TỪNG PHƯƠNG ÁN VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh
Phóng viên: Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ông có đánh giá thế nào về dự thảo Luật đến thời điểm này?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Dự thảo Luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo Luật quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới, gộp 04 điều thành 02 điều, tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 02 điều (Điều 33 và Điều 54). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung, tuy nhiên để hoàn thiện các quy định trong dự thảo nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thực tiễn và phù hợp, tôi cho rằng, dự thảo Luật vẫn cần rà soát và hoàn thiện các nội dung liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm; quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ… và lưu ý một số điểm về kỹ thuật trình bày văn bản.
Phóng viên: Về nội dung liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, ông có góp ý gì cho dự thảo Luật thưa ông?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Nội dung này đang được quy định tại Điều 51 của dự thảo Luật. Cụ thể, tại khoản 2 của Điều này quy định việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải có giấy phép vận chuyển theo quy định của Chính phủ; trong trường hợp cần thiết, đơn vị vận chuyển hàng hoá nguy hiểm phải bố trí người áp tải để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nội dung giao cho Chính phủ quy định rõ “trường hợp cần thiết” là những trường hợp nào vào khoản 6 của Điều này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Phóng viên: Đối với quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật cần có điều chỉnh gì thêm thưa ông?
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Về nội dung này, điểm a Khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật quy định “Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy”. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 21 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Bộ Luật Dân sự cũng quy định tài sản chủ sở hữu được quyền sở hữu theo Điều 158, quyền chiếm hữu theo Điều 186 và quyền sử dụng theo Điều 189. Như vậy, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể mua và sử dụng, “điều khiển” xe gắn máy theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015.
Đồng thời, khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định “Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe”. Thông tư số 24/2023/TT-BCA cũng không quy định dung tích xi-lanh đối với cá nhân đủ 15 tuổi trở lên đăng ký xe; nên có trường hợp người đủ 15 tuổi đăng ký chính chủ xe trên 50cm3 nhưng khi điều khiển chính xe của mình tham gia giao thông thì lại vi phạm do chưa đủ tuổi gây khó khăn trong công tác xử lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, tôi cho rằng, để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo quyền lợi của người dân và thống nhất giữa quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 24/2023 của Bộ Công an và điểm a khoản 1 Điều 59 của Dự thảo luật này, cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 59 theo hướng “Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy” để phù hợp với Luật Dân sự 2015; đồng thời, bổ sung nội dung “người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được đăng ký chính chủ phương tiện dưới 50cm3” đối với Thông tư số 24/2023/TT-BCA.
Ngoài ra, về kỹ thuật trình bày văn bản, tại dự thảo Luật đã quy định Điều 3 về Giải thích từ ngữ. Tuy nhiên tại một số Điều vẫn giải thích các cụm từ như: Khoản 1 Điều 15 giải thích từ “Vượt xe”, khoản 1 Điều 16 giải thích cụm từ “Chuyển hướng xe”, khoản 1 Điều 53 giải thích cụm từ “Hàng siêu trường, siêu trọng”. Tôi cho rằng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu chuyển các nội dung này sang Điều 3 để đảm bảo tính logic và sắp xếp từ ngữ theo bảng chữ cái để tiện cho việc tra cứu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!