ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: TIẾP TỤC CỤ THỂ HOÁ CÁC NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO TRẺ EM KHI THAM GIA GIAO THÔNG

22/05/2024

Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá cao các nội dung đã chỉnh lý về bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tiếp tục cụ thể hoá các nguyên tắc này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 22/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, ĐBQH tỉnh Hải Dương

Góp ý về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý một cách nghiêm túc trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, phương án chỉnh lý cũng đã tiệm cận với nhiều tiêu chuẩn an toàn giao thông quốc tế, có tính toán đến sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam.

Quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa thống nhất cơ bản với Điều 7 của dự thảo Luật liên quan đến nội dung và trách nhiệm giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Khoản 3 của Điều này đang quy định: Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.

Đại biểu đề nghị cần cân nhắc về vai trò chủ trì, phối hợp trong nội dung này, bởi các nội dung chính như xây dựng chương trình, bố trí giáo viên được đào tạo về nghiệp vụ hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy để truyền đạt cho học sinh, trang bị phương tiện để hướng dẫn học sinh lái xe… đều thích hợp nếu giao cho giao lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì, còn các cơ sở giáo dục chỉ phối hợp bố trí thời gian, địa điểm cho học sinh có nhu cầu tham gia học tập.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 46 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "quy định" vào sau cụm từ “xây dựng”, sửa lại thành "cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng quy định, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình".

Liên quan đến quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em tham gia giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật lần này đã chỉnh lý nhiều quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ em. Đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các nội dung đã chỉnh lý về bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông cả đối với trường hợp ngồi trên xe ô tô, xe gắn máy và xe đạp, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tiếp tục cụ thể hoá các nguyên tắc này để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em nhằm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em mà Chính phủ đã phê duyệt.

Các đại biểu tại Phiên họp

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra, trong dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 có nội dung “Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ” nhưng không còn trong dự thảo trình Quốc hội thông qua lần này. Đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là nội dung quan trọng và cần thiết, đề nghị cân nhắc giữ nội dung này trong dự thảo luật. Nếu còn băn khoăn về một số loại xe chỉ có 2 cửa, 1 hàng ghế thì có thể loại trừ trường hợp này.

Đối với quy định cấp và thu hồi giấy phép lái xe của người sử dụng ma túy, nữ đại biểu cho biết, Nghị quyết 149 ngày 21/9/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/05/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe để điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật.

Đối với việc cấp giấy phép lái xe, có thể căn cứ vào điều kiện sức khoẻ để loại trừ việc cấp giấy phép lái xe cho người sử dụng ma tuý. Tuy vậy, để bảo đảm đồng bộ với quy định này, tại khoản 4, điều 62 của dự thảo Luật về các trường hợp thu hồi giấy phép lái xe, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trường hợp: người được cấp giấy phép lái xe sử dụng trái phép chất ma tuý, nghiện ma tuý và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng, cũng là trường hợp thu hồi giấy phép lái xe.

Ngoài ra, đại biểu Thoa cũng nhấn mạnh, khái niệm “tai nạn giao thông” là khái niệm khá quan trọng, liên quan đến việc xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan, liên quan đến trách nhiệm bồi thường, chi trả các loại bảo hiểm trong trường hợp cần thiết. Hiện nay khoản 10 Điều 3 dự thảo Luật quy định: Tai nạn giao thông đường bộ là va chạm liên quan đến người, phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, xảy ra ngoài ý muốn của người tham gia giao thông, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản. Tức là phải có “va chạm” mới được xác định là tai nạn giao thông. Tuy vậy, đại biểu cho rằng, khái niệm này chưa bao quát được các trường hợp tai nạn xảy ra không phải là do “va chạm”, ví dụ do mất lái mà xe lao xuống vực gây tai nạn thì cũng cần được xác định là tai nạn giao thông. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu vấn đề này để thể hiện cho thích hợp.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị cân nhắc chỉnh lý một số nội dung để bảo đảm thống nhất với Luật liên quan. Cụ thể, dự thảo Luật sử dụng cụm từ “người già yếu” tại một số điều, trong đó có Điều 31, 34. Thực tế khi tham gia giao thông, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng, có người già, người yếu thì chúng ta đều ưu tiên, giúp đỡ. Tuy vậy, trong trường hợp cần xác định trách nhiệm pháp lý thì phải có tiêu chuẩn rõ ràng, khái niệm chuẩn xác. Hiện nay, Bộ luật hình sự cũng không còn sử dụng khái niệm “người già” mà được thay thế bằng cụm từ “người từ 70 tuổi trở lên”.  Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên sử dụng cụm từ “người cao tuổi” thay vì “người già yếu” cho phù hợp với Luật người cao tuổi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sử dụng khá phổ biến cụm từ: “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật”. Tuy vậy, theo quy định tại Điều 11 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật thì “tuyên truyền pháp luật” nằm trong hoạt động “phổ biến, giáo dục” pháp luật. Do đó, đại biểu Thoa đề nghị rà soát để chỉnh lý khái niệm này tại một số điều trong dự thảo luật, cho phù hợp với quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp Luật./.

Thu Phương

Các bài viết khác