TỔNG THUẬT SÁNG 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021
Thất thoát, lãng phí không chỉ kìm hãm sự phát triển của đất nước mà như phát biểu của một số đại biểu Quốc hội, lãng phí cơ hội, lãng phí niềm tin hay nhiều lãng phí vô hình, lãng phí nguồn lực còn làm suy yếu bộ máy. Căn bệnh “lãng phí” đã được “bắt” với “liều thuốc” là Nghị quyết của Quốc hội trình dự kiến đc thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về chuyên đề giám sát này. Cử tri và Nhân dân cũng trông đợi những chuyển biến tích cực trong và ngay sau quá trình giám sát.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã phân tích rõ tình trạng lãng phí trong khu vực công trên 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm. Thất thoát, lãng phí làm mất đi cơ hội phát triển, gây bức xúc trong nhân dân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của người đứng đầu. Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, tổ chức phong trào thi đua trong nhân dân cần tập trung vào lĩnh vực cụ thể và có phương pháp, cách làm để đạt hiệu quả, tránh trường hợp phát động thi đua lấy phong trào trong khi hiệu quả không có.
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Phóng viên: Thưa đại biểu, trong phần phát biểu của đại biểu tại Hội trường, đại biểu cho rằng, tiết kiệm hay lãng phí thì quan trọng vẫn là xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có thẩm quyền. Vậy đại biểu có thể phân tích rõ hơn tình trạng lãng phí do nguyên nhân thiếu các quy định, văn bản hướng dẫn về vấn đề trên?
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã quy định rõ khái niệm như thế nào là tiết kiệm, như thế nào là lãng phí. Đối với lĩnh vực quản lý tài sản công, tài sản Nhà nước, nguồn vốn, tài sản Nhà nước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành các định mức tiêu chuẩn. Cụ thể tại Điều 13 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát, tham mưu ban hành định mức, tiêu chuẩn. Trách nhiệm cơ quan Nhà nước cần thường xuyên rà soát vì tiêu chuẩn này không bất di bất dịch còn phụ thuộc vào tiến trình phát triển đất nước. Khi đất nước phát triển ở mức độ khác mà tiêu chuẩn chế độ vẫn giữ nguyên thì không phù hợp, nếu dựa vào đó để đánh giá tiết kiệm hay lãng phí sẽ không đúng.
Thực tế cho thấy, còn nhiều tiêu chuẩn, định mức trong thời gian vừa qua vẫn lạc hậu. Cụ thể, Bộ Nội vụ vừa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học trong quá trình tuyển dụng cán bộ, công nhân, viên chức. Tôi cho rằng, việc này cần tiến hành từ nhiều năm trước. Vì khi ban hành quy định này đất nước mới phát triển trong giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới cần tiêu chí nhất định để đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức phải học hành nâng cao, đặc biệt kỹ năng tin học và ngoại ngữ, nhưng khi đất nước phát triển không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì cán bộ, công nhân, viên chức vẫn phải học. Do đó, tôi nhận thấy, bỏ quy định này là đúng và đánh giá vấn đề lãng phí hay thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không thực chất.
Phóng viên: Qua thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân. ý kiến của đại biểu về ndung này?
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Tôi đồng tình quan điểm việc phát động toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đây là chủ trường rất đúng. Về tổ chức phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân, tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ, thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân là lĩnh vực rộng. Nếu tổ chức phong trào thi đua trong nhân dân cần tập trung vào lĩnh vực cụ thể và có phương pháp, cách làm để đạt hiệu quả, tránh trường hợp phát động thi đua lấy phong trào trong khi hiệu quả không có.
Thông qua giám sát Quốc hội vừa rồi, Đoàn giám sát phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân, tôi mong muốn các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ và các cấp, các ngành cần nghiên cứu chủ trương này để có chủ trương giải pháp cụ thể.
Phóng viên: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát tối cao này. Vậy để Nghị quyết đi vào cuộc sống, theo đại biểu, việc tiếp tục giám sát, giám sát lại có ý nghĩa quan trọng thế nào?
Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Nghị quyết chuyên đề giám sát của Quốc hội thông qua kỳ họp lần này có những chủ trương, giải pháp rất cụ thể. Nhưng cụ thể hơn thì các cấp, các ngành cần triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Nhà nước rất cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ tình hình cụ thể để triển khai. Việc giám sát tối cao này để Nghị quyết của Quốc hội được thực thi trong cuộc sống thì vấn đề giám sát không chỉ làm định kỳ mà cần làm thường xuyên. Quốc hội có nhiều kênh để giám sát thông qua đại biểu Quốc hội, thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan dân cử ở địa phương và phát huy vai trò của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tôi cho rằng, nếu triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội một cách bài bản, cầu thị có trách nhiệm chắc chắn đạt hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho đất nước sẽ đổi mới, tiến bộ.
Phóng viên: Qua hoạt động Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như 4 Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, đại biểu có đánh giá gì về những đổi mới trong hoạt động giám sát?
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Năm 2022, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội có nhiều đổi mới trong đó có nhiều thành viên chuyên gia, nhà khoa học. Giám sát thông qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và yêu cầu Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm. Thông qua hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, các Đoàn giám sát những địa phương cần thiết, không đi tràn lan đã góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước, giảm bớt phiền hà cho địa phương và giám sát đạt hiểu quả cao.
Qua nghiên cứu báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, rất công phu và đánh giá toàn diện trên mọi mặt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiểu bất cập, tồn tại, tôi cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ khắc phục sớm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!