CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính của quốc gia đồng thời là đô thị đặc biệt.
Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù: HĐND thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Giao Thường trực HĐND TP Hà Nội một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; quyết định hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.
HĐND, UBND thành phố thuộc TP Hà Nội được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.
HĐND quận, thị xã bố trí trong dự toán chi ngân sách của UBND phường khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi như chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, quốc phòng, an ninh…
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù.
Đồng thời, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý.
Mức chi thực hiện theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước.
Tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Chính sách tương tự này hiện đang được áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 98/2023/QH15).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết. Qua đó, bảo đảm đời sống, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn về việc quy định nội dung này thành một chính sách để áp dụng ổn định, lâu dài. Bởi Nghị quyết số 27-NQ/TW mới chỉ đặt vấn đề thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách, chứ chưa được tổng kết, đánh giá để áp dụng ổn định, lâu dài.
Bên cạnh đó, theo kết luận của Hội nghị 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024. Do đó, ý kiến này đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Quan tâm tới quy định tại dự thảo, đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để phù hợp với các chính sách cải cách tiền lương sắp được triển khai, tiêu đề của Điều 18 nên lược bỏ “tiền lương”, chỉ đề là “chế độ thu nhập” của cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm lương và các thu nhập khác phù hợp với chính sách cải cách tiền lương của Trung ương).
Về nội dung điều luật, đại biểu nhận thấy, Dự thảo mới chỉ đề cập đến việc chi thu nhập tăng thêm mà chưa bao gồm các nội dung cần thiết khác, vì vây để hoàn thiện cần rà soát, bổ sung một số nội dung. Cụ thể: Nên thể hiện trực tiếp và rõ ràng nguyên tắc chi trả thu nhập theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ thuộc bộ máy Chính quyền Thủ đô trong Luật Thủ đô để có thể bắt nhịp kịp thời với thực tiễn cải cách chế độ tiền lương trong thời gian tới. Tránh trường hợp Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực nhưng phải đợi sửa đổi, bổ sung các Luật khác về lương, thưởng, phụ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Bởi vì đây là một đạo luật, có giá trị pháp lí giống như các đạo luật khác về cán bộ, công chức, viên chức nên không cần chờ đợi các luật khác mà chỉ cần có chính sách đã được thông qua và điều kiện thực tiễn thì có thể triển khai ngay.
Cũng theo đại biểu, cần bổ sung quy định thể hiện tính phân hóa trong cơ chế trả thù lao, đặc biệt đối với các trường hợp thuộc diện thu hút nhân tài. Theo đó, việc chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được minh định theo ít nhất hai cơ chế: Cơ chế tuyển dụng thông thường sẽ cơ bản áp dụng theo chính sách cải cách tiền lương của Trung ương; Cơ chế tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài cần khẳng định cơ chế thu nhập theo thỏa thuận tương xứng với vị trí việc làm. Nếu có thể, nghiên cứu thêm cơ chế chi trả theo sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo, các sản phẩm có khả năng thương mại hóa hoặc sản phẩm sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã có những quy định về tài sản trí tuệ là sản phẩm có được từ hoạt động do ngân sách nhà nước đài thọ, đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về chế độ thu nhập dành cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thủ đô khi tham gia vào các chương trình này. Đối với một số sản phẩm có khả năng khai thác thương mại lâu dài, chế độ chi trả thu nhập tương ứng sẽ có sức hút tốt hơn so với chính sách khen thưởng theo sản phẩm.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, cần có sự phân hóa về thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các ngành, lĩnh vực khoa học cơ bản so với các ngành, lĩnh vực có tính ứng dụng cấp thời. Đặc biệt là khoa học cơ bản về xã hội và nhân văn, bởi vì đây là lực lượng có nhiều đóng góp cho sự phát triển về các giá trị khó đo lường trong thời gian ngắn. Trái lại, thu nhập đối với lực lượng làm việc trong các ngành khoa học kĩ thuật - công nghệ, các khoa học ứng dụng thực tiễn lại có khả năng tạo ra các sản phẩm có tính thương mại hóa cao, rõ ràng thì có thể áp dụng cơ chế chi trả thù lao chung kết hợp thù lao theo sản phẩm như đã khuyến nghị ở trên.
Đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Đóng góp vào nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW từ đó tạo cơ chế đột phá, tạo động lực phát triển, phát huy thế mạnh của Thủ đô, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đối với quy định về chế độ tiền lương của cán bộ công chức, viên chức được quy định tại Điều 18, tại Khoản 1 quy định: “Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên cho thành phố Hà Nội quản lý”. Hiện nay đóng trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều cơ quan, ngành dọc bao gồm: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Hải quan…
Do đó, đại biểu tỉnh Yên Bái đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét, rà soát lại việc quy định một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương nhằm làm rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn.
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ cho rằng, quy định về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (Điều 18) còn chung chung. Cụ thể như quy định “một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.
Theo đại biểu, nếu quy định như vậy, sẽ có số lượng công chức, viên chức rất lớn, chưa kể một số ngành nghề đã được hưởng phụ cấp, thu nhập tăng thêm do tính đặc thù, độc hại nghề nghiệp như công an, quân đội... nếu có thêm chính sách này nữa thì sẽ không phù hợp. Theo đại biểu, dự thảo Luật cần nêu cụ thể ngành nào để có cơ sở thiết kế chế độ, chính sách mang tính khả thi hơn.
Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng cần chỉnh sửa quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 theo hướng: “Nếu trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn so với luật này thì có thể áp dụng các quy định có lợi nhất cho Thủ đô”./.