TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 08/11: BẾ MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm, sự trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục
Phóng viên: Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận sôi nổi liên quan đến bạo lực học đường. Các nguyên nhân và giải pháp cũng đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra. Bà có đánh giá như thế nào đối với những nguyên nhân và giải pháp được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa: Bạo lực học đường là vấn đề nóng không chỉ tại kỳ họp này mà đã diễn ra trong nhiều kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn. Chất vấn tại kỳ họp này là dịp để các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng nhìn nhận lại thực trạng vấn đề, xác định những nguyên nhân chính và các giải pháp.
Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 3 nhóm nguyên nhân chính xuất phát từ trách nhiệm của nhà trường, từ cán bộ quản lý giáo dục cơ sở, các giáo viên; trách nhiệm của gia đình, sự quan tâm của gia đình chưa đúng mức và trách nhiệm của xã hội trong đó có vấn đề về quản lý các trang mạng xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Từ đó Bộ trưởng đã đưa ra các nhóm giải pháp. Tôi cho rằng các nhóm giải pháp được Bộ trưởng nêu ra đã thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm, sự trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục.
Theo đó, về giải pháp, trước hết phải là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục ở các nhà trường, bao gồm phát huy vai trò của nhà trường, giáo viên và các tổ chức Đoàn, Đội. Ngoài ra còn sự phối hợp của nhà trường với gia đình và xã hội. Tôi cho rằng khi thực hiện được các giải pháp này sẽ góp phần giảm thiểu được tình trạng bạo lực học đường.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thực sự đổi mới
Phóng viên: Qua hoạt động giám sát tại kỳ họp lần này, có thể thấy Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước nắm được tiến độ, kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành và Chính phủ. Thực tế cho thấy có những lĩnh vực đã có những chuyển biến rõ nét nhưng cũng có những lĩnh vực chuyển biến còn chậm. Nhìn tổng thể phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã đưa ra lời cam kết, giải pháp và lộ trình thực hiện nhiệm vu. Theo bà, với việc đưa ra nhóm giải pháp cùng với lộ trình thực hiện có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa: Đối với Quốc hội, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề giám sát tối cao của Quốc hội thông qua chất vấn. Ở đây là giám sát sau chất vấn, sau giám sát chuyên đề thì nay soi lại việc thực hiện các nghị quyết đó như thế nào. Đây là cơ hội để các đại biểu Quốc hội không chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ mà còn hiến kế cho Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đối với các thành viên Chính phủ thì đây là cơ hội để báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trước cử tri, Nhân dân cả nước và Quốc hội về việc thực hiện các cam kết, về các kết quả đạt được. Và nếu có những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ thì đây cũng chính là cơ hội để các Bộ trưởng, trưởng ngành được giải trình, làm rõ và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện.
Đối với cử tri và Nhân dân cả nước thì đây là cơ hội để nhìn nhận được những vấn đề đang diễn ra ngoài xã hội được dội vào trong các phiên họp của Quốc hội, các phiên chất vấn của Quốc hội. Từ đó có thêm niềm tin vào Quốc hội, Chính phủ.
Phóng viên: Như vậy gần như tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành ở 21 lĩnh vực đều đã tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Bà đánh giá như thế nào về những đối mới trong chất vấn ở kỳ họp này như thế nào?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã thực sự đổi mới. Đổi mới trước hết là ở phạm vi. Nếu như theo thông lệ tại các kỳ họp Quốc hội thường chọn ra 4 nhóm vấn đề, 4 nhóm lĩnh vực để chất vấn thì tại kỳ họp này tất cả 21 lĩnh vực đã được đưa ra chất vấn. Trong quá trình tiến hành chất vấn đã chia 21 lĩnh vực này thành 4 nhóm, các lĩnh vực trong một nhóm có mối quan hệ gần nhau. Như vậy trong chất vấn, một vấn đề được đại biểu đưa ra không phải chỉ có một Bộ trưởng trả lời mà có thể có 2 hoặc 3 Bộ trưởng cùng phối hợp trả lời, làm rõ.
Nhiều Bộ trưởng cùng tham gia trả lời thì cũng đã phần nào bớt áp lực và từ đó chất lượng trong mỗi câu trả lời được nâng lên. Khi các Bộ trưởng “chia lửa” với nhau thì mỗi Bộ trưởng có thêm thời gian để suy nghĩ kỹ hơn và trả lời tốt hơn.
Đặc biệt, qua chất vấn tổng thể cũng giúp Quốc hội, các cơ quan có cái nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Những điểm mới trong hoạt động chất vấn tại nhiệm kỳ này sẽ là những vấn đề đặt ra để trong thời gian tới Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là những bài học, trải nghiệm hết sức có ý nghĩa.
Phóng viên: Trân trọng cảm bà!