PGS.TS – ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỂ VĂN HÓA THỦ ĐÔ DẪN DẮT, ĐIỀU TIẾT SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

27/11/2023

Hôm nay (27/11), Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa của đất nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội đã nêu ra một số lưu ý và đề xuất để phát triển văn hóa Thủ đô và để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GHI NHẬN THÔNG ĐIỆP CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VĂN HÓA TRƯỚC QUỐC HỘI

PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRÊN NỀN TẢNG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN HÓA

PGS.TS- ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển văn hóa và an sinh xã hội của Thủ đô. Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Một trong các mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô. Đó là: xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch; giao HĐND thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể...

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27/11

Hôm nay (27/11), Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất thiết cần có những chính sách thật đặc biệt để phát triển văn hóa Thủ đô, thậm chí là cần dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực văn hóa hơn cả lĩnh vực kinh tế…

Để có cái nhìn sâu sắc về tầm quan trọng phát triển văn hóa Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội về nội dung này.

Hà Nội – Không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa đất nước

Phóng viên: Hôm nay, Quốc hội chính thức thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ông đánh giá thế nào về các quy định về phát triển văn hóa việc Thủ đô trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội: Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị và còn là Thủ đô văn hóa, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, là biểu tượng cho giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, nơi tụ nhân, tụ nghĩa, tụ tài của dân tộc, và là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Vì thế, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Nhấn mạnh Hà Nội – Không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa đất nước, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc đưa các quy định về văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là bước tiến lớn so với Luật Thủ đô trước đây, khi có những quy định về ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do Ủy ban Nhân dân Thành phố  Hà Nội quyết định, cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), hay áp dụng chế độ cao hơn đối với nghệ sĩ, nghệ nhân, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa Thủ đô...

02 nhiệm vụ quan trọng cần chú ý để phát triển văn hóa Thủ đô

Phóng viên: Là đại biểu lâu năm trong lĩnh vực văn hóa và cũng là đại biểu Quốc hội của Hà Nội, ông cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần lưu ý về những nội dung, nhiệm vụ gì để văn hóa Thủ đô thực sự phát triển nổi bật, để văn hóa Thủ đô có thể dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội: Theo tôi, để phát triển văn hóa Thủ đô, chúng ta cần chú ý đến 02 nhiệm vụ:  Một là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội 1000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh;  Hai là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Thủ đô.

Lưu ý xử lý 05 điểm nghẽn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội: So với những điểm nghẽn mà chúng ta vướng mắc ở luật pháp, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tháo gỡ những điểm nghẽn sau: 1) Phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản; 2) Chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu); 3) Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; 4) Quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa; 5) Chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Một số điểm nghẽn này đã được đề cập trong dự thảo Luật, nhưng một số điểm nghẽn chưa được đề cập, hoặc mới chỉ đề cập chung chung, chưa cụ thể, vì thế cần được lưu ý nhiều hơn khi triển khai Luật.

Để Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO - Nơi tập hợp của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội: Về chi tiết cần sửa đổi, tôi nghĩ rằng, việc chúng ta đưa vào Luật những đặc trưng như “xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” (khoản 1, điều 23), có ý nghĩa định hướng rất lớn nhưng cần cân nhắc kỹ từng giá trị.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn lưu ý, việc đưa vào Luật những đặc trưng như “xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” (khoản 1, điều 23), có ý nghĩa định hướng rất lớn nhưng cần cân nhắc kỹ từng giá trị

Trong số đó, tôi nghĩ sáng tạo nên là một phẩm chất quan trọng của người Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nơi tập hợp của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và có Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) (vừa mới khai trương) của cả nước. Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, ở đó trọng tâm là những con người sáng tạo được hình thành bởi giáo dục sáng tạo, không gian sáng tạo, được định hướng bởi giá trị sáng tạo.

Bổ sung thêm ưu đãi cho các ngành có ưu thế

Phóng viên: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có những quy định về ưu đãi cho phát triển công nghiệp văn hóa như ở Điều 45. Ông có đánh giá như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội: Điều 45 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định “ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do Ủy ban Nhân dân Thành phố  Hà Nội quyết định”.

Các ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành, trong đó còn có rất nhiều ngành có ưu thế ở Hà Nội như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc... 

Bên cạnh đó, điều 45 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định “ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do Ủy ban Nhân dân Thành phố  Hà Nội quyết định”.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành, trong đó còn có rất nhiều ngành có ưu thế ở Hà Nội như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc...  cũng nên được đưa vào danh mục này.

Tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa Thủ đô phát huy giá trị

Phóng viên: Ngoài các nội dung trên, ông còn góp ý gì cho dự thảo Luật này, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội: Ngoài ra, tôi cũng muốn Ban soạn thảo làm rõ hơn quy định ở Điều 42. Quản lý tài sản công, theo đó, các “bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa” không được nhượng quyền kinh doanh, quản lý thì có được phép liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để khai thác dịch vụ ở các thiết chế, địa điểm này không? Đây là một điểm nghẽn khiến cho các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gặp khó khăn, không huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát huy giá trị của mình.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là di tích văn hóa - lịch sử lâu đời tại Thủ đô Hà Nội

Thời gian vừa qua, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành – Thăng Long,... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công. Vì thế, theo ý kiến của tôi, nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định quản lý, kiểm tra và giám sát quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa, còn ở một số các dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với các tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình.

Cuối cùng, Hà Nội có một đặc thù là có rất nhiều các thiết chế văn hóa, thể thao trung ương tại Hà Nội như hệ thống các bảo tàng, thư viện, nhà hát, sân vận động,… liệu các thiết chế này có được hưởng các ưu đãi dành cho các thiết chế ở Hà Nội sau khi Luật Thủ đô (sủa đổi) được ban hành hay không? Tôi cho rằng, chúng ta nên cho phép các thiết chế văn hóa, thể thao trung ương này được áp dụng quy định tương tự khi chúng ta biết được rằng các quy định này có lợi cho sự phát triển văn hóa, thể thao, và các thiết chế này của trung ương thì đồng thời cũng vẫn phục vụ cho cả hoạt động văn hóa, thể thao của Hà Nội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương