Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐQBH tỉnh Quảng Bình
Quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật để bảo đảm thống nhất, tránh sự chồng chéo
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ Điều 4 dự thảo quy định về cách áp dụng luật trong trường hợp giữa Luật Đầu tư và các luật khác có quy định khác nhau về cùng một nội dung. Theo đó, dự thảo đã chia ra 2 nhóm vấn đề có cách áp dụng pháp luật khác nhau. Một số nhóm vấn đề được quy định theo hướng nếu các luật có quy định khác nhau thì áp dụng theo luật chuyên ngành. Một số nhóm vấn đề khác lại quy định nếu các luật có quy định khác nhau thì áp dụng theo Luật Đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phân tích, về cách áp dụng luật đối với nhóm vấn đề thứ nhất, tức là nếu có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư với luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp. Đây cũng là cách quy định điển hình của các luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đấu giá tài sản v.v. Theo đó, Luật Đầu tư với tư cách là luật chung về đầu tư đã nhận biết, lường trước được những nội dung mà các luật chuyên ngành đã quy định khác với luật này và những vấn đề này vẫn phải tiếp tục thực hiện theo luật chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành.
Như vậy, mặc dù luật được ban hành sau nhưng Luật Đầu tư đã chủ động nhường sự điều chỉnh pháp luật trong luật chuyên ngành được ban hành trước đó. Đây là nguyên tắc áp dụng pháp luật chuyên ngành khác với nguyên tắc áp dụng luật ban hành sau. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng các quy định này và để nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành không mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng luật ban hành sau thì dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hôm vừa rồi đã bổ sung quy định tại Điều 12, quy định về việc áp dụng luật đối với trường hợp này.
Về cách áp dụng luật đối với nhóm vấn đề thứ 2, tức là nếu có sự khác nhau, bất kể vấn đề đó được quy định trước hay được quy định sau Luật Đầu tư ban hành thì vẫn cứ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng đây là quy định bất hợp lý, gây phức tạp cho áp dụng pháp luật đối với trường hợp luật ban hành sau có quy định khác với Luật Đầu tư. Cụ thể, quy định này hướng tới trường hợp trong tương lai Quốc hội sẽ quy định về một vấn đề mà nội dung quy định đó sẽ không được thực hiện, không có hiệu lực pháp lý, chỉ vì nó trái với quy định đã được ban hành trước đó trong Luật Đầu tư. Quy định này cũng sẽ không hợp lý nếu sau này trong một luật chuyên ngành nào đó, Quốc hội muốn có quy định đặc thù khác với Luật Đầu tư thì sẽ không thể quy định được, nếu không sửa luật chung là Luật về đầu tư. Do đó đại biểu đề nghị bỏ quy định về cách áp dụng luật này.
Đề nghị quy định dịch vụ điều tra, thám tử tư vào ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cần đưa ngành, nghề đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đại biểu lý giải, trước khi có Luật Đầu tư năm 2014 thì đây là ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của các nghị định hướng dẫn Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp. Đến năm 2014 thì do Luật Đầu tư không đưa ngành, nghề này vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh và cũng không đưa vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cho nên từ một ngành, nghề bị cấm thì trở thành một ngành, nghề kinh doanh tự do, không bị ràng buộc điều kiện nào.
Thực tế cho thấy dịch vụ này diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên, đây là ngành, nghề kinh doanh nhạy cảm, dễ xâm hại đến quyền, lợi ích của người khác có liên quan đến tự do cá nhân, bí mật đời tư, bí mật gia đình. Những dịch vụ này được phép hoạt động mà không cần các yêu cầu cụ thể về điều kiện kinh doanh sẽ dễ dẫn đến khả năng gây tác hại tới an ninh trật tự, an toàn xã hội. vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Tham khảo kinh nghiệm các nước như Mỹ, Pháp, Nga, v.v. thì đều có quy định về điều kiện hành nghề thám tử tư như là không có tiền án, tiền sự, các yêu cầu về điều kiện trang thiết bị, các yêu cầu về đào tạo nghiệp vụ, v.v.. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc về việc bổ sung ngành, nghề này vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Cần rà soát các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
Về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết Điều 15 dự thảo luật đã bổ sung dự án sử dụng lao động là người khuyết tật. Theo quy định của pháp luật về người khuyết tật là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Do đó đại biểu bày tỏ tán thành với việc bổ sung này vì Luật Người khuyết tật đã có quy định về cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng các ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên về vay vốn, thuế đất, v.v.. Bên cạnh đó đại biểu cũng cho rằng ngoài đối tượng này cũng cần rà soát các đối tượng khác cũng đã được pháp luật quy định về việc ưu đãi các cơ chế, chính sách tương tự để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Đại biểu chỉ rõ, theo quy định của Bộ luật Lao động, nhà nước có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ theo quy của pháp luật về thuế. Luật Bình đẳng giới quy định doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế, tài chính theo quy định của pháp luật. Do đó đề nghị bổ sung các đối tượng được hưởng ưu đãi về đầu tư là dự án sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về lao động cũng là một đối tượng được ưu đãi./.