Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó đã cố gắng giải quyết một số điểm chồng lấn về trình tự, thủ tục đầu tư giữa các luật có liên quan. Tuy nhiên do một số nội dung mang tính chất tính chính sách được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật vẫn rất phức tạp, liên quan tới những lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành nên có thể nảy sinh vướng mắc mới trong quá trình thực hiện khi triển khai thi hành luật như quy định về áp dụng Luật Đầu tư và áp dụng pháp luật về xây dựng tại Điều 4, việc sửa đổi, bổ sung Điều 22 và Điều 23 của Luật Nhà ở, việc bổ sung và bỏ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất cao giữa Chính phủ, các bộ, ngành trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua để đảm bảo sự đồng thuận và nhất quán về quan điểm, chính sách trong quá trình áp dụng pháp luật.
Góp ý vào Điều 4 áp dụng pháp luật đầu tư và các luật có liên quan, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị không quy định khoản 2 Điều 4 và đoạn đầu khoản 3 Điều 4.
Điều 4 dự thảo Luật có quy định: “2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật này.
Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về trình tự, thủ tục, bảo đảm đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp sau…”
Đại biểu phân tích, đối với quy định của luật khác ban hành trước khi Luật Đầu tư có hiệu lực thì phải sửa theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp không sửa thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 156 của Luật Ban hành, tức là văn bản của cùng một cơ quan ban hành thì sẽ áp dụng quy định của văn bản ban hành sau và sau này khi Quốc hội ban hành luật mới có quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải đảm bảo tính thống nhất với Luật Đầu tư. Như vậy, khi thấy cần sửa Luật Đầu tư để phù hợp với các chính sách mới thì trong luật mới lại cũng phải sửa theo quy định tại khoản 2 Điều 12 để tránh mâu thuẫn.
Hơn nữa, nếu quy định khoản 2 của Điều 4 và đoạn đầu khoản 3 của Điều 4 thì sẽ dẫn đến tình trạng rất khó áp dụng pháp luật. Đại biểu dẫn chứng trong trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 4 của Luật Đầu tư thì sẽ áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư, sau này Quốc hội ban hành một luật mới khác với Luật Đầu tư này thì khi đó cũng với quy định tại Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ không biết phải áp dụng văn bản quy định nào. Một bên bảo là theo Luật Đầu tư, một bên bảo là áp dụng theo như là văn bản ban hành. Do đó cần cân nhắc khi quy định trong Luật Đầu tư.
Liên quan đến vấn đề sửa đổi, bổ sung các điều của luật có liên quan, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết tại điểm e khoản 1 Điều 77 của dự thảo luật dự kiến sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi đó thì Luật Đầu tư công cũng vừa sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường và mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Bên cạnh đó thì dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng được trình Quốc hội tại kỳ họp này có quy định mới về đối tượng, phạm vi, các loại yêu cầu phải đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư.
Do đó, để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu một cách tổng thể về phương án để xử lý một cách phù hợp, tránh việc dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) lại sửa đổi các điều của luật khác sắp hết hiệu lực.