Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Thanh Tùng cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu chỉnh lý luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đại biểu đưa ra nhều ý kiến đóng góp về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Thứ nhất, về việc có đưa cháy rừng vào thành một loại hình thiên tai hay không đã được sửa đổi, bổ sung trong Điều 3 của luật. Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, đúng là cháy rừng có rất nhiều nguyên nhân, trong nhiều trường hợp cháy rừng là do con người gây ra, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận là không ít vụ cháy rừng hoàn toàn do yếu tố tác động của thiên nhiên.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu như hiện nay, vào mùa khô hay tình trạng thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài gây nên sự mất nước, khô kiệt của thảm thực bì trong các khu rừng, cánh rừng, bề mặt đất nóng lên, gió lớn gây nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao có thể đến cảnh báo cấp độ 4 cấp độ 5 và rất khó kiểm soát, phòng ngừa. Đặc biệt là một số vùng có yếu tố đặc thù về địa chất, nơi có các nguồn khí mê tan tự nhiên trong lòng đất, khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao kéo dài, khí có thể tự phát cháy hoặc những nơi có các mỏ kim loại hay những vùng rừng núi đá vôi, cường độ và tần suất sét cũng dày hơn trong điều kiện cực đoan, có thể gây cháy rừng tự nhiên.
Thực tế ở vùng rừng vườn quốc gia Cát Bà, nơi đại biểu Bùi Thanh Tùng đã từng công tác thường xuyên có hiện tượng này. Chưa kể các tác động tự nhiên khác như nhiệt mặt trời đã làm sinh ra tia lửa, nổ đạn lân tinh, v.v.. Ở nhiều quốc gia trên thế giới đều coi cháy rừng là thảm họa tự nhiên, ở Việt Nam những năm gần đây theo số liệu thống kê cũng có hàng nghìn hecta rừng và rất nhiều vụ cháy rừng lớn do tác động của các yếu tố tự nhiên gây thiệt hại không nhỏ. Trong trường hợp những vụ cháy rừng nghiêm trọng, nếu chỉ sử dụng lực lượng kiểm lâm và lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ không đủ sức để khống chế. Đặc biệt là những khu vực rừng có địa hình hiểm trở như vậy, chính quyền địa phương phải huy động một lực lượng lớn để ứng phó với những cơ chế huy động nguồn lực bộ máy chỉ đạo, chỉ huy của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Vì vậy, theo đại biểu cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng dù do nguyên nhân tự nhiên hay sự cố khác cũng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù. Trong dự thảo luật cũng đã quy định là giao Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí về quy mô để xác định cháy rừng là thiên tai.
Thứ hai, về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai tại khoản 3 Điều 1 dự thảo, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành quy định “lực lượng dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền”. Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương, nhất là các địa bàn xã ven biển, hải đảo hay vùng cao cho thấy mỗi khi có bão, lũ, sạt lở đất hay cháy rừng ngay từ giai đoạn đầu của thiên tai trong khi chờ chi viện từ các lực lượng chuyên ngành ở cấp trên tới hỗ trợ, cấp ủy và chính quyền cấp xã phải huy động đội ngũ dân quân tự vệ cùng một lực lượng tại chỗ lớn hơn từ các tổ chức đoàn thể mới đủ sức để triển khai các hoạt động ứng phó, đặc biệt là khâu sơ tán, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ, giúp đỡ người già, trẻ em, công tác hộ đê, v.v. một cách nhanh nhất có thể. Thực tế hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ đã có 8.000/11.000 xã, chiếm khoảng 75% số xã có mô hình lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã như nêu ở trên và hoạt động có hiệu quả.
Chính vì vậy, đại biểu Bùi Thanh Tùng đồng tình với sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này đó là xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương hoạt động kiêm nhiệm là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Việc nâng cấp các quy định ở tầm các văn bản của Chính phủ lên thành luật sẽ tạo điều kiện pháp lý tốt hơn cho việc tổ chức huy động nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống thiên tai ở cấp cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời cũng thể chế hóa những yêu cầu của Chỉ thị số 42 ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Sau khi chỉnh lý, vai trò, vị trí của lực lượng dân quân tự vệ như trong dự thảo luật đã thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ năm 2019.
Thứ ba, về nguồn lực tài chính và ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 6 Điều 1. Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số khoản, điểm của Điều 9 Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành thì nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai đã được bổ sung gồm ngân sách hàng năm, dự phòng ngân sách nhà nước và quỹ dự trữ tài chính. Việc bổ sung này khắc phục được một số bất cập trong luật hiện hành về mức độ đáp ứng, tính kịp thời của việc sử dụng ngân sách hỗ trợ cho các khâu từ phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai.
Về việc bổ sung mục chi riêng cho mục lục ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai để tập trung nguồn lực trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này, đồng thời có căn cứ để huy động thêm các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước để bù đắp nguồn lực còn thiếu cho công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương. Đúng là theo Luật Ngân sách Điều 26 thì nội dung này được quy định ở văn bản dưới luật. Tuy nhiên, việc hiện nay một số mục chi rất quan trọng, như chi cho hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cấp quận, huyện và cơ sở, chi cho công tác phòng, chống xâm hại trẻ em như trong báo cáo giám sát chúng ta đã đánh giá hay là chi phòng, chống thiên tai đang được ghi chung vào mục chi khác, dẫn đến khó bố trí hoặc không được ưu tiên bố trí và không đáp ứng được yêu cầu, không được thể hiện chi tiết nên có thể gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện. Trong thực tế, việc kiến nghị để bổ sung, điều chỉnh văn bản dưới luật cũng có khó khăn và kéo dài. Vì vậy, đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 26 của Luật Ngân sách hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để rà soát, chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm hơn trong công tác tham mưu về quy định bổ sung một số hạng mục chi đặc thù trong mục lục ngân sách chi của các địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Thứ tư, về sử dụng cơ quan chuyên môn hiện có làm nhiệm vụ chuyên trách để tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Tại Báo cáo giám sát số 1654 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai đã nêu rõ hoạt động của các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp còn gặp nhiều khó khăn do đây là tổ chức kiêm nhiệm, bộ phận thường trực của các ban này còn chưa được chuyên môn hóa, tổ chức thiếu tính ổn định, chất lượng công tác tham mưu còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, tham mưu xuyên suốt công tác phòng, chống thiên tai.
Chỉ thị số 42 ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã yêu cầu kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai theo hướng tập trung, thống nhất xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán chồng chéo, nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai tại các cấp theo hướng chuyên trách.
Về thực tế, hiện nay bộ phận này đã có Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh nhưng hoạt động kiêm nhiệm không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, đại biểu đồng tình với việc cần phải có bộ phận chuyên trách phòng, chống thiên tai làm kiêm nhiệm văn phòng thường trực để theo dõi, tham mưu thường xuyên, liên tục cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Sử dụng chính đội ngũ cán bộ, công chức hiện có đang kiêm nhiệm công tác phòng, chống thiên tai tại Chi cục Thủy lợi hoặc cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn nên không làm tăng biên chế bộ máy hành chính, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Trung ương như đã được đưa vào khoản 23 Điều 1 của dự thảo luật./.