Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang trả lời phỏng vấn
* Phóng viên Lan Phương: Được biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Vậy xin bà cho biết, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào? kết quả ra sao?
Bà Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang trả lời: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và dành nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài ra đồng bào dân tộc thiểu số còn được thụ hưởng nhiều chính sách từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và một số đề án cụ thể như: chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ hay việc phát triển văn hóa dân tộc…
Riêng đối với tỉnh Hà Giang, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh đã tập trung ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Giai đoạn 2014 – 2019, tổng các nguồn vốn đầu tư trong nước để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là gần 2.169 tỷ đồng, nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len cho xã đặc biệt khó khăn là 112 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chính sách đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng vùng miền núi, vùng cao có nhiều thay đổi tích cực, đã thực hiện đầu tư 461 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu; duy tu bảo dưỡng 508 công trình. Sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể: được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ thiết bị lọc nước; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, xóa nhà tạm, xây khu vệ sinh và khu chuồng trại chăn nuôi… Đời sống văn hóa tinh thần được bảo tồn, phát triển theo hướng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh; nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; triển khai thực hiện các hợp phần hỗ trợ sản xuất, văn hóa, thông tin, xây dựng điểm thôn, bản tiêu biểu về bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống; mua sắm nhạc cụ, trang phục dân tộc và hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên…
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tình hình KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hàng năm bình quân đạt từ 7 - 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng qua các năm; 100% các xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 89,6% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện; mạng lưới và hạ tầng bưu chính viễn thông đến được trên 97% vùng núi, vùng sâu. Các chương trình, dự án về giảm nghèo, giải quyết việc làm, trợ giúp người nghèo từ ngân sách nhà nước được thực hiện tốt, có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2010 - 2015 giảm từ 41,8% xuống còn 17,91% (theo chuẩn nghèo cũ) và còn 31,17% năm 2018 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng; cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cơ sở y tế không ngừng được nâng cao. Đến nay, 67,7% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; 94,4% thôn có nhân viên y tế, đạt tỷ lệ 10,5 bác sỹ/vạn dân. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số và các chính sách khác về y tế và Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc chung sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất là 32%, có 5 dân tộc rất ít người. Hầu hết, đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, cư trú chủ yếu là vùng núi cao; địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xảy ra lũ quyét, sạt lở đất. Khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đa số các thôn, bản đều xa thị trấn và các trung tâm phát triển nên trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn bộc lộ những vướng mắc nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách đó là: các chính sách được triển khai vẫn còn chưa đồng bộ, trong đó phải kể đến có nhiều chính sách tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương tương đối cao, do vậy khó khăn trong việc cân đối, bố trí nguồn lực; mặt khác việc lồng ghép chính sách chưa được hướng dẫn cụ thể, thống nhất dẫn đến khó triển khai thực hiện…
* Phóng viên Lan Phương: Thưa bà, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh ta sẽ kiến nghị, đề xuất những nội dung gì vào Dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để khi triển khai đáp ứng đúng mong mỏi, nhu cầu phát triển KT – XH của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh?
Đại biểu Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang cho biết: Ngày 18/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Trong đó xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, gồm các dự án sau: (1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; (3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; (5) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; (7) Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; (8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (9) Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; (10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Trước ngày khai mạc kỳ họp, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo trong đó đã mời ban soạn thảo đề án cùng dự. Đoàn cũng đã có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội chủ động gặp gỡ các nhóm cử tri để tham vấn ý kiến vào dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Việc tham gia ý kiến đối với Chương trình là hoàn toàn khách quan, sát với yêu cầu thực tiễn, các chuyên gia, các đại biểu tham gia tham luận, thảo luận và đóng góp ý kiến tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của Dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng khác như điện, đường, trường, trạm… ; các giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhìn từ góc độ đặc thù của địa phương; đảm bảo sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các vùng theo quy hoạch để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đồng thời nên có cơ chế đặc thù, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả…
Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội xem xét cho ý kiến vào Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Qua nghiên cứu, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang thấy rằng việc xây dựng Chương trình là rất cần thiết, sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, đây là Chương trình mục tiêu quốc gia chung dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do vậy Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có những đề xuất, kiến nghị cụ thể để phù hợp với đặc điểm đặc thù của tỉnh ta là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, có nhiều dân tộc rất ít người sinh sống để làm sao đồng bào vừa có thể phát triển KT-XH, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Những ý kiến tham gia của cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học được Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang tổng hợp và chọn lọc để tham gia ý kiến tại nghị trường Quốc hội, đó là: Nghiên cứu việc tích hợp chính sách, khắc phục triệt để việc chồng chéo và phân tán nguồn lực, thống nhất đầu mối quản lý, phân bổ và bố trí nguồn lực kịp thời, đầy đủ, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính trong việc trình, phê duyệt, thanh quyết toán các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương cơ sở thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện Chương trình phải đảm bảo về nguồn lực, một số dự án cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý do vốn đối ứng của địa phương chiếm tỷ lệ cao, cá biệt có dự án vốn đối ứng của địa phương lên tới 58%, như vậy rất khó khăn đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách hạn hẹp như Hà Giang. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách thì địa phương cũng vẫn đang phải bố trí một phần ngân sách tỉnh để thực hiện một số chính sách đặc thù theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh như: chính sách hỗ trợ học sinh phổ thông thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số học bán trú tại các trường phổ thông công lập (không thuộc diện học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú theo quy định) trung bình khoảng 50 tỷ đồng/năm; chính sách hỗ trợ kinh phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (chủ yếu là con em DTTS vùng ĐBKK) hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội trung bình 500 triệu đồng/năm; chính sách hỗ trợ lao động tỉnh Hà Giang đi làm việc ở nước ngoài và làm việc ngoài tỉnh…Do vậy, khả năng cân đối bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đối với một số dự án trong Chương trình là rất khó khăn. Khi ban hành chính sách cần xem xét đến tính đặc thù của từng địa phương và cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc lồng ghép nguồn lực các chương trình, dự án cùng đầu tư trên địa bàn khó khăn để đảm bảo mục tiêu đề ra, tráng trùng lặp chính sách:
Về cơ sở hạ tầng: Việc quyết định định mức đầu tư của một số dự án cần có sự phù hợp với các chương trình, chính sách khác để đảm bảo tính thống nhất cũng như có tính vùng miền, ví dụ như cùng một chính sách hỗ trợ làm nhà ở thì ở các chương trình dự án khác nhau, định mức hỗ trợ phải bằng nhau, hiện nay cùng một nội dung hỗ trợ nhưng ở các chính sách chưa có sự tương đồng về định mức hỗ trợ, như vậy sẽ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về sinh kế: Tập trung vào việc đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; chuyển đổi ngành nghề…
Về văn hóa: Xóa bỏ hủ tục, đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các cấp học nhằm trang bị cho học sinh phổ thông những kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp; hiểu biết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương. Góp phần bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cơ sở nhận thức sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Về chính sách đối với dân tộc rất ít người cần được xây dựng phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, từng bước bảo đảm công bằng xã hội, trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản; ban hành chính sách đặc biệt về vốn đầu tư, vốn vay, hướng dẫn sản xuất, tổ chức cuộc sống để bà con từng bước tiếp cận, tiến tới sản xuất hàng hóa, ổn định cuộc sống. Đặc biệt quan tâm đến việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thiểu số rất ít người gồm: văn hóa ở, văn hóa mặc, tiếng nói, chữ viết, văn hóa tín ngưỡng, gắn với xây dựng nếp sống mới, xóa các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt cuộc vận động an ninh cơ sở, không nghe, không đi, không làm theo kẻ xấu; có những giải pháp rất đặc biệt để tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, không cào bằng về trình độ, về đánh giá chất lượng với các dân tộc khác…
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bà!