Đại biểu Bùi Văn Phương phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, hiện nay vẫn đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề kiểm toán:
Thứ nhất, kiểm toán toàn bộ dự án PPP hay chỉ kiểm toán một phần của dự án PPP, đó là vấn đề thuộc phạm vi nguồn ngân sách nhà nước. Để xác định kiểm toán toàn bộ hay là kiểm toán một phần thì phải xác định là dự án PPP này là đầu tư công hay không phải đầu tư công. Đại biểu cho rằng dự án PPP là đầu tư công, bởi vì dự án này do nhà nước chủ trì, đứng ra để mời gọi thêm nhà đầu tư tư nhân tham gia và dự án được lập dựa trên chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước, nó chỉ khác là do nhà nước chưa đủ tiền làm ngay, cho nên cần có sự hợp tác.
Thứ hai, đây là dự án đầu tư công, bởi vì dự án này phải do các cấp có thẩm quyền quyết định. Đó là phân cấp cho Quốc hội quyết định chủ trương, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương và ở địa phương là Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương và hợp tác công tư ở đây, phần tư thực hiện thì nhà nước phải trả tiền lại cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình như hợp đồng BT hay bằng quyền thu phí để hoàn lại vốn hợp đồng BOT, v.v.. Đại biểu cho rằng bản chất của hợp tác công tư ở đây là đầu tư công và đã là đầu tư công thì chúng ta phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán.
Theo đại biểu có 3 vấn đề cần phải tính toán để kiểm toán vì nó liên quan đến dự án:
Thứ nhất, kiểm toán tính tuân thủ. Đó là xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng các quy định của hợp đồng và các quy chế của dự án này không? Đại biểu cho đây là một yêu cầu số một và phải được làm ngay từ ban đầu. Bởi vì, thực tiễn nếu chúng ta kiểm toán một cách tuân thủ, được thực hiện theo chuẩn mực thì như thời gian vừa qua sẽ không có tình trạng các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí, làm đường tránh, nhưng trạm thì lại đặt ở trên Quốc lộ 1.
Đại biểu lấy ví dụ, gần đây Bộ Giao thông đang đề nghị nhà nước trả tiền cho mấy dự án, như dự án ở đường tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa nhưng lại đặt trạm thu phí ở trên Quốc lộ 1, đoạn chỗ Bỉm Sơn và người dân phản ứng. Nếu kiểm toán tuân thủ được thực hiện nghiêm túc thì sẽ không thể có chuyện làm đường một nơi và đặt trạm một nơi như thế.
Thứ hai, kiểm toán giá trị công trình để tính hiệu quả kinh tế của nó. Vì sao chúng ta phải kiểm toán giá trị công trình, mà kiểm toán này là phải kiểm toán ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án. Vì sao phải kiểm, vì liên quan đến trách nhiệm của nhà nước phải trả cho nhà đầu tư. Ví dụ, dự án BT là nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng, hoàn thiện công trình, sau đó bàn giao lại cho nhà nước và nhà nước phải trả lại toàn bộ phần chi phí cho nhà đầu tư bằng tài sản công hoặc bằng hình thức khác. Như vậy, nếu không kiểm toán giá trị kinh tế công trình dự án sau khi kết thúc phần đầu tư thì lấy căn cứ đâu để chúng ta tính việc mà trả nợ cho nhà đầu tư bằng các tài sản công khác. Đại biểu cho đây là vấn đề cần thiết, phải được tính toán, phải được xem xét kỹ lưỡng.
Thứ ba, vấn đề cần kiểm toán? Là kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án và đây cũng là yêu cầu để đảm bảo công khai, minh bạch. Đại biểu lấy ví dụ, đường phía Tây thành phố Thanh Hóa, đường tránh. Nếu chúng ta kiểm toán để đánh giá tính hiệu quả của dự án này thì chắc chắn sẽ không ai đồng ý cho triển khai dự án đó. Bởi vì không thể trong một phạm vi rất ngắn là có đường Quốc lộ 1 chạy qua thành phố Thanh Hóa, là đường đi tránh phía đông của thành phố Thanh Hóa, như thế không bao giờ về mặt tính hiệu quả mà lại quyết định đầu tư dự án đường tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa.
Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta tuân thủ kiểm toán như thế này đúng thì nó sẽ tác dụng tốt.
Đại biểu chỉ rõ, nếu làm được kiểm toán một cách thật chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng thì việc chúng ta chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tăng lên hoặc giảm đi, đảm bảo hiệu quả thi hành của Dự án Luật này./.