VIỆT NAM CẦN ĐỘNG LỰC MỚI VỀ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, năng suất lao động có ý nghĩa sống còn đối với phát triển mỗi đất nước. Với tinh thần đó hàng năm Quốc hội đều biểu quyết chỉ tiêu mức tăng năng suất lao động hàng năm. Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao trình độ người lao động, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm nay, chỉ tiêu mức năng suất lao động đều không hoàn thành. Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng lý giải nguyên nhân đồng thời cho biết giải pháp để trong 3 năm tới, chỉ tiêu này được hoàn thành.
Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có Văn bản số 2379/BKHCN-TĐC nêu rõ:
Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đề ra mục tiêu “Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%” và tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 mục tiêu là “Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm”.
Từ năm 2016 đến 2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm của Việt Nam là 5,88%/năm và đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 05-NQ/TW. Tuy nhiên, năm 2021 và 2022, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm đều dưới 5%/năm, không đạt mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan chủ yếu là tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới (theo các tài liệu của OECD, ILO, năng suất lao động của các quốc gia thành viên ASEAN đều suy giảm vào năm 2020, có xu hướng bắt đầu tăng lại vào năm 2021 nhưng chưa đạt được mức độ như trước khi xảy ra đại dịch) và Việt Nam cũng không tránh được mức suy giảm này. Bên cạnh đó, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là kỳ vọng rất lớn so với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm từ năm 2016 đến 2021 mới chỉ đạt mức 5,88%/năm.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, thực tiễn hiện nay đòi hỏi cần có những nhiệm vụ, giải pháp mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Đề án về giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động, trình Chính phủ trong tháng 5 năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm b, mục 12, phần I Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, với các nhiệm vụ và giải pháp như sau: (1) Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030; (2) Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030; (3) Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế; (4) Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về cơ chế chính sách, giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (5) Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ, tối ưu hóa hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (6) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và truyền thông; (7) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc ngày 26/4/2023 với Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với APO và các Bộ, ngành có liên quan để triển khai thí điểm ngay trong năm 2023 đối với 03 dự án sau:
. Dự án 1: Nghiên cứu đề xuất Hướng dẫn thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt (Good Regulatory Practices, GPR) nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng của các quy định pháp luật. Để chuẩn bị triển khai hoạt động này, cuối tháng 6 năm 2023, đoàn khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ học tập kinh nghiệm về GRP, bao gồm cả đại diện của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã đi học tập kinh nghiệm tại Malaysia, quốc gia thực hành rất tốt GRP và thu được những kết quả rất tích cực.
. Dự án 2: Lựa chọn và triển khai thí điểm xây dựng kế hoạch hành động về nâng cao năng suất lao động cho ngành Dệt may của Việt Nam, nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam.
. Dự án 3: Đề xuất hình thành mô hình Trung tâm xuất sắc cho Thế hệ trẻ (COE on Productivity for Youth) của APO đặt tại Việt Nam. Trung tâm xuất sắc cho Thế hệ trẻ sẽ là sáng kiến của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng về năng suất cho thanh niên, học sinh tiến tới việc phổ cập năng suất trong toàn dân đối với các nền kinh tế thành viên của APO./.