Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum A Kang cho biết, việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặc dù điều kiện nguồn lực địa phương còn hạn chế, ngoài nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương, UBND các cấp đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của từng chương trình. Qua đó, góp phần nâng cao kết quả thực hiện các chương trình, duy trì và nâng cao kết quả giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách giảm nghèo còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao; vẫn còn tình trạng đã thoát nghèo nhưng chây ỳ không trả nợ. Bộ phận hộ nghèo người dân tộc thiểu số, đặc biệt vùng sâu, vùng xa chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng gia đoạn 2016 - 2020 theo hướng tiếp cận đa chiều có nhiều điểm mới, nên một số địa phương triển khai thực hiện còn lúng túng, sai sót.
Giám đốc Sở A Kang cũng chỉ ra một số nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là: một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong việc giúp đỡ, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh nên hộ nghèo người dân tộc thiểu số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa chưa mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh; nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ cho địa phương chậm, thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong thực hiện. Cơ chế, thời gian và mức luân chuyển, thu hồi vốn hỗ trợ còn bất cập nên các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo gặp khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện.
Kon Tum kiến nghị Trung ương hàng năm cần sớm phân bổ vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi để việc triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ kế hoạch. Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo theo tiêu chí thu nhập và người nghèo theo tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện các chính sách hỗ trợ...
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong triển khai chính sách về giảm nghèo bền vững và cho rằng, kết quả giảm nghèo của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa cao khi tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh so với khu vực Tây Nguyên chưa cao, số hộ cận nghèo có xu hướng gia tăng, hơn 20.000 hộ có thu nhập dưới 10 triệu/năm, chiếm khoảng 1/5 dân số toàn tỉnh...
Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cần đánh giá sâu sắc, cụ thể hơn về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo, xác định “trúng” vấn đề để có giải pháp căn cơ hơn. Thời gian tới, lãnh đạo địa phương cần tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, xã, đặc biệt là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cao; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực các chính sách có cùng mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động - việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.