Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong giai đoạn 2012-2018, từ nguồn vốn phân bổ cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi cùng với lồng ghép từ chương trình dự án khác đã góp phần tạo cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống. Kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã có cải thiện, phát triển hơn. Cụ thể, đến hết năm 2018, số hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn 8.689 hộ, giảm 3.867 hộ so với đầu năm 2016, chiếm 60,38% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi giảm mỗi năm 3-4%, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm 5-6%/năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, thông qua thực hiện chính sách cùng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của người dân nên tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm dần, kết cấu hạ tầng các xã, thôn đặc biệt khó khăn được cải thiện đáng kể. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân trong công tác giảm nghèo; tiếp tục rà soát, đánh giá và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn Ninh Thuận; sớm có các giải pháp tháo gỡ các khó khăn để các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh sớm triển khai; cần có chính sách nâng cao dân trí vùng đồng bào DTTS để góp phần giải quyết việc làm; đồng thời quan tâm các chính sách góp phần nâng cao mức sống, thể chất của người DTTS. Đối với huyện Thuận Bắc có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống cần xem xét để huyện được hưởng chính sách như địa bàn Tây Nguyên; quan tâm đầu tư triển khai những đoạn còn lại của Quốc lộ 27 đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa được thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn vùng DTTS, miền núi trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh vẫn còn cao; kết cấu hạ tầng về thuỷ lợi, nước sạch còn hạn chế, đặc biệt vệ sinh môi trường còn yếu...Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người đồng bào DTTS; các chính sách của tỉnh phải tập trung nhiều hơn cho miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc Raglai; chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó cần tập trung các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Tỉnh cũng cần tập trung phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng; tăng cường chức năng bảo vệ rừng cho cộng đồng gắn với chương trình trồng cây gỗ lớn, gỗ quý. Về những kiến nghị của tỉnh, đoàn tiếp thu và có báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.