PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI GẮN VỚI CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

03/04/2019

Tiếp tục chương trình giám sát tại Lạng Sơn, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc, thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018", do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì đã làm việc tại huyện Văn Quan.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Văn Quan là huyện vùng cao gồm 23 xã và 1 thị trấn trong đó có 18 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện là 56. 413 người. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 97,4% gồm các dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mường, Hoa. Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Đổng Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, cho biết việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 11,4 triệu năm 2012 đến 23,8 triệu năm 2018. Mức giảm hộ nghèo trung bình từ 2012 đến 2018 đạt trên 4,24%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 chiếm 25,65%, hộ cận nghèo chiếm 26,45 %.

Trước khi làm việc với Uỷ ban nhân dân huyện Văn Quan, Đoàn giám sát đã trực tiếp khảo sát tại các gia đình hộ nghèo và làm việc với Uỷ ban nhân dân các xã Trí Lễ, Tú Xuyên. Quá trình khảo sát và qua báo cáo của địa phương cho thấy việc thực hiện chính sách giảm nghèo tuy đạt được một số thành tựu quan trọng nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và đặc biệt hộ cận nghèo còn quá cao; một số chỉ số thiếu hụt như nước sạch, vệ sinh môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; các mô hình sản xuất phân tán, mặc dù đã bắt đầu có định hướng cây con và sản phẩm chủ lực nhưng chưa rõ ràng, việc hỗ trợ sản xuất chưa hiệu quả và bền vững; bình xét hộ nghèo còn nhiều bất cập; công tác đào tạo nghề cho lao động còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa tốt dẫn đến bà con vẫn còn trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước và không muốn thoát nghèo.

Báo cáo thêm về việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, Ông Nguyễn Đình Đại, Bí thư Huyện uỷ Văn Quan, cho biết, để giải quyết các bất cập nêu trên, Huyện uỷ Văn Quan cũng đã có nghị quyết xác định lại các cây con chủ lực trong đó tập trung thành 4 nhóm gồm rau, gỗ, cây công nghiệp và cây dược liệu. Lãnh đạo chính quyền địa phương cấp xã và cấp huyện đều cho rằng sắp tới nên điều chỉnh chính sách cho phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn theo đó cần giảm đầu tư trực tiếp thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, và hỗ trợ có thời hạn. Đồng thời cũng xác định rằng công tác giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế, không chỉ hỗ trợ hộ nghèo mà phải hỗ trợ các hộ có khả năng làm kinh tế giỏi để hình thành các mô hình sản xuất.

Đồng ý quan điểm của lãnh đạo Huyện uỷ Văn Quan, ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn Công tác cho rằng khi thiết kế hỗ trợ sản xuất với mong muốn có đa dạng sinh kế nhưng cách tiếp cận chưa hợp lý, tập trung quá nhiều người nghèo mà ko tạo được động lực từ cộng đồng nên không thành công. Nguyên nhân vừa có bất cập trong cả chính sách và tổ chức thực hiện. Chính vì thế sắp tới cần thay đổi cách nhìn trong công tác giảm nghèo, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất theo cách tiếp cận mới. lấy phát triển kinh tế xã hội gắn với công tác giảm nghèo, đầu tư cho cộng đồng nhiều hơn và thay đổi quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất và do đó cũng cần thay đổi cả tập quán sinh hoạt của người dân.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị Đảng uỷ, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và tránh tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ nhà nước, quan trọng nhất là cần tổ chức lại sản xuất, tư vấn kỹ thuật quy hoạch vùng sản xuất, tập trung vào cây con chủ lực có lợi thế tập trung thành các mô hình, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá gắn với xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó cần phải tập trung đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng, đào tạo các hạt nhân chủ chốt để tổ chức các hoạt động, vận động người dân tham gia vào tích cực vào đoàn thể của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức trình độ dân trí và trình độ sản xuất.

Ông Nguyễn Lâm Thành cũng cho biết, với việc phân tích rõ những bất cập tồn tại cũng như kinh nghiệm của những thành công và thất bại tại địa phương sẽ đóng vai trò góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới.

Phan Xanh