ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH LẠNG SƠN

03/04/2019

Tiếp tục chương trình tại tỉnh Lạng Sơn, sáng ngày 03/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc, thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018" do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Lạng Sơn

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với 83% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các chương trình chính sách về giảm nghèo bền vững mặc dù có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,83%, hộ cận nghèo chiếm 11,01%, tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 3,3%/năm, các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/ năm. Toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại và hạn chế cả trong sản xuất, tiếp cận dịch vụ cũng như đầu tư hạ tầng. Ngoài việc do chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư manh mún và hưa kịp thời thì một nguyên nhân quan trọng tác động đến lớn đến hiệu quả của người dân là tư duy lạc hậu của người dân trong cả sinh hoạt và sản xuất.

Cũng chính vì chưa thay đổi tư duy trong sản xuất nên các chính sách hỗ trợ sản xuất vừa qua chưa thực sự hiệu quả, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng như xuất khẩu có kết quả rất mờ nhạt, các chỉ số thiếu hụt dịch vụ cơ bản đặc biệt là nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn cao; việc bình xét hộ nghèo còn nhiều vướng mắc. Việc hỗ trợ trực tiếp nhiều cho các hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo cao cũng là một trong những nguyên nhân để đồng bào dân tộc trông chờ và ỷ lại, không có ý thức để vươn lên và phát huy nội lực. Vì vậy sắp tới Lãnh đạo địa phương cũng đề nghị nên giảm hỗ trợ trực tiếp mà tăng hỗ trợ có điều kiện và có thời hạn và không chỉ hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo mà có thể hỗ trợ cho các hộ gia đình có ý thức vươn lên làm giàu, qua đó tạo xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng.

Đồng tình với các kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn, Đoàn giám sát cũng cho rằng, để giảm nghèo một cách bền vững cần phải thay đổi tư duy và tập quán sản xuất. Địa phương các cấp cần nắm bắt thông tin cụ thể và hỗ trợ người dân tổ chức lại việc sản xuất kinh tế vườn nhà, vườn đồi và vườn rừng, chuyển biến từ chính gia đình và thay đổi tập quán và thói quen sinh hoạt, sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị phương hướng để giảm nghèo bền vững sắp tới cần tập trung cho sản xuất, xác định một số cây con chủ lực, xây dựng các mô hình để tạo thành sản phẩm hàng hoá và gắn với chuỗi hàng hoá, thương hiệu. hình thành các nhóm hộ sản xuất, có liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời cũng cần bổ sung thêm phương án trồng rừng gỗ lớn, không cần tập trung chuyển đổi ngay mà có thể thực hiện trồng xen kẻ, phân tán và chuyển dịch từ từ.

Ông Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng cần phải đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, công tác dạy nghề, đào tạo việc làm, xuất khẩu lao động trong đó cần chú ý phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông trung học. Công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc nâng cao năng lực cộng đồng cũng cần phải chú ý phát huy.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những kiến nghị đề xuất quan trọng và sát thực của địa phương, qua quá trình phân tích, thảo luận sẽ đưa vào báo cáo trình Quốc hội trong thời gian tới đây nhằm điều chỉnh các chính sách về dân tộc, đảm bảo rút ngắn khoảng cách giữa các đồng bào dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Xanh - Trung Hiếu