TÌNH HÌNH KINH TẾ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI CÓ BƯỚC PHÁT TRIỂN TÍCH CỰC

08/05/2019

Trong khuôn khổ chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Hội đồng Dân tộc, các thành viên Hội đồng Dân tộc nghe Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thông báo về tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 06 tháng đầu năm 2019.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 06 tháng đầu năm 2019

Tại phiên họp, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi ổn định và có bước phát triển tích cực. Sản xuất nông nghiệp tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa và rau mùa vụ, thu hoạch các loại cây ăn quả, đàn gia súc, phát triển kinh tế hộ gia đình… Các địa phương quan tâm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gia đình chính sách, người có công; thực hiện cấp gạo cứu đói, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng hộ nghèo theo đúng quy định.

Tình hình an ninh trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình an ninh trên tuyến biên giới ổn định. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền địa phương quan tâm; giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cấp uỷ, chính quyền các tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phân công cán bộ nắm chắc tình hình cơ sở, bám sát các địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra biên giới. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức pháp luật, ý thức cách mạng cho đồng bào. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước được nâng lên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi không phát sinh “điểm nóng”, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thế trận lòng dân trong thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh được củng cố và tăng cường. 

Về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 vùng dân tộc thiểu số, miền núi, năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, nên ngay trong ngày đầu tháng 01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, thống nhất quán triệt phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực đã làm được trong năm 2018, nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng đã được quan tâm và triển khai thông qua việc hoàn thiện chính sách, khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; phát triển chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp với điều kiện vùng miền, sản phẩm, ngành hành….

Uỷ ban Dân tộc đề nghị Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2026, định hướng 2030​

Uỷ ban Dân tộc đề nghị Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt xem xét, phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2026, định hướng 2030. Giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội, 3 năm sơ kết, 5 năm tổng kết thực hiện đề án, khẳng định kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Đối với Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc đề nghị có cơ chế phù hợp trong việc quyết định các chính sách dân tộc, đặc biệt là bố trí đủ vốn thực hiện chính sách dân tộc đáp ứng nhu cầu bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số như: chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, định canh định cư, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các dân tộc thiểu số rất ít người; đa dạng hoá nguồn lực đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong đó ngân sách nhà nước là chủ yếu. Có chính sách khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi bằng cơ chế phù hợp. Phân bổ nguồn lực đồng bộ các nguồn vốn phù hợp từng chính sách, tăng cường công tác giám sát thực hiện các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến giảm nghèo thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Đối với các Bộ, ngành, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc trong việc bố trí, phân bổ nguồn vốn, hướng dẫn, trả lời, góp ý, thẩm định, ban hành các chính sách dân tộc; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ động ưu tiên bố trí, lồng ghép các nguồn lực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc được phê duyệt, nhằm đạt mục tiêu chính sách đã phê duyệt, từng bước khắc phục khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rút ngắn dần khoảng cách các vùng.

Cho ý kiến về báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, các thành viên Hội đồng Dân tộc cơ bản đồng tình, tuy nhiên lưu ý báo cáo còn nêu chung chung, nếu như không có phần lý giải của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc sẽ không chứng minh được kết quả và hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm 2019 vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Báo cáo cũng chưa chỉ rõ địa phương nào làm tốt, chưa làm tốt và nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019 như thế nào? Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề dạy nghề, chất lượng đào tạo nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề di dân xuất khẩu lao động cũng như những khó khăn do khí hậu thời tiết, giá nông sản xuống thấp ảnh hưởng đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.../.

Vân Ngọc