Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cùng một số thành viên Hội đồng Dân tộc và các chuyên gia. Tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong 6 tháng đầu năm 2021 cơ bản ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không xảy ra các vụ việc có tính chất nghiêm trọng; đời sống đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững...
Toàn cảnh Phiên họp.
Sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào chăm sóc và thu hoạch vụ lúa Chiêm Xuân ở miền Bắc, vụ lúa Đông Xuân ở miền Trung và miền Nam, thu hoạch cây màu vụ xuân, gieo trồng cây màu hè, cây ăn trái, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ và miền Nam đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc thu hoạch xong vụ lúa Chiêm Xuân 2020-2021, năng suất đạt khá, giá trị hàng hóa tăng cao hơn năm trước. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với thích ứng biến đổi khí hậu được quan tâm. Tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định so với cùng kỳ sáu tháng đầu năm 2020.
Nhằm đảm bảo việc phục vụ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các địa phương đã kịp thời triển khai các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện công tác thăm hỏi, động viên người có uy tín trong đồng bào DTTS, đồng bào DTTS nghèo, các trường dân tộc nội trú, chỉ đạo các đơn vị cung ứng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; đấu tranh chống buôn lậu, hàng kém chất lượng; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS. Đồng bào các dân tộc đón Tết Nguyên đán Tân Sửu trong không khí đoàn kết, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền rất nhiều tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 16 tỉnh, để hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021. Các tỉnh nhận hỗ trợ gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước. Sáu tháng đầu năm 2021, chỉ có 08 tỉnh gồm Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình cần phải hỗ trợ cấp 393 tấn gạo cứu đói giáp hạt (06 tháng đầu năm 2020, có 18 tỉnh nhận trên 13.488 tấn gạo cứu đói). Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương đã rà soát chặt chẽ, đảm bảo số gạo hỗ trợ đúng đối tượng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chủ trương không để đồng bào bị thiếu đói trong dịp Tết, giáp hạt.
Nhằm hỗ trợ kịp thời đồng bào DTTS bị nhiễm bệnh Covid-19, Ủy ban Dân tộc đã trích kinh phí từ nguồn kinh phí chính trị phí năm 2021 và nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ các tỉnh Điện Biên, Bắc Giang đối phó, phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước; hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, còn một số hạn chế về bình đẳng giới, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị. Vì vậy, để công tác dân tộc thực sự là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới, trong thời gian tới cần nhấn mạnh một số nhiệm vụ.
Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng cùng phát triển.
Thứ hai: Các chính sách phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho vùng DTTS&MN. Phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia.
Thứ ba: Đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, đồng thời khuyến khích sự tham gia chủ động của đồng bào DTTS, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao tại: Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Ngoài các nhiệm vụ trên thì cần hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học hên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN; 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
Phấn đấu đến năm 2025 có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Các đại biểu tham dự Phiên họp.
Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc và các đại biểu đều thống nhất với Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2026.
Các thành viên Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc và các đại biểu cũng khẳng định cần đặt hai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững bên cạnh chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS &MN giai đoạn 2021-2030 cho phù hợp, làm thế nào để ba chương trình đan xen nhau hiệu quả. Tuy nhiên, khi thực hiện các chương trình cũng cần xem xét kỹ các tiêu chí đặt ra, tránh trùng lặp đối tượng, triển khai manh mún, chắp vá. Một trong những nhiệm vụ đặt ra là ưu tiên về chính sách về nhà ở, giảm nghèo bền vững, tiêu thụ nông sản, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho vùng DTTS &MN.
Ngoài ra, các đại biểu, thành viên của Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, khi thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia phải tính đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2026; tình hình và tác động của đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt của đất nước, trong đó có ảnh hưởng đến nguồn hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS &MN.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những ý kiến đóng góp cho phiên tham gia thẩm tra kinh tế-xã hội vùng DTTS &MN.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, trong báo cáo thẩm tra cần bổ sung và nhấn mạnh đến thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã có sự tham gia tích cực của người dân, vùng miền dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trong báo cáo thẩm tra kinh tế-xã hội vùng DTTS &MN cũng cần phân tích rõ hơn những tác động của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đất nước cũng như các chính sách cho vùng DTTS &MN; người lao động trong các khu công nghiệp, lao động di cư, lao động ở khu vực miền núi đến làm việc ở các khu công nghiệp...
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận Phiên họp.
Những vấn đề khác liên quan đến sản xuất của người dân, lưu thông hàng hóa; hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang, Sơn La; công tác bảo vệ, phát triển rừng, thiên tai bão lũ, ảnh hưởng của dịch bệnh cần bổ sung vào trong báo cáo thẩm tra.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có sự đánh giá quá trình triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Việc làm này cũng là để rà soát các chính sách, các luật liên quan đến chính sách thực hiện trong thời gian qua như thế nào để có giải pháp thay đổi, bổ sung kịp thời với thực tiễn ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Để các chương trình Mục tiêu quốc gia thực hiện hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, nên có một ban chỉ đạo chung khi triển khai cả 3 chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững, chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS &MN giai đoạn 2021-2030./.