Toàn cảnh buổi làm việc
Cử tuyển là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta thể hiện sự ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Chính sách này được quy định trong Luật Giáo dục và được thể chế hóa tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Từ năm 1990 đến nay, chính sách cử tuyển đã thu được những kết quả tương đối tốt, có hàng chục ngàn học sinh dân tộc được đào tạo cơ bản, đạt trình độ đại học, cao đẳng; bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo, trong giai đoạn 2006-2011 đã đào tạo được hơn 12.000 học sinh. Giai đoạn này hầu hết số học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp đều được bố trí việc làm. Giai đoạn 2011-2017 có khoảng 8.000 học sinh cử tuyển, trong đó số lượng sinh viên đã tốt nghiệp là hơn 4.000; số còn lại đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì buổi làm việc
Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy bên cạnh kết quả đạt được thi trong những năm gần đây, công tác cử tuyển còn tồn tại một số bất cập, cụ thể: trong tổng số hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp cử tuyển mới bố trí được việc làm cho hơn 1.600 người( đạt tỷ lệ khoảng 36%); nhu cầu tuyển sinh cử tuyển của các địa phương giảm mạnh, năm 2017 chỉ còn khoảng 8 tỉnh có nhu cầu đào tạo cử tuyển đại học với số lượng ít, không tỉnh nào có nhu cầu đào tạo cử tuyển cao đẳng và trung cấp. Hội đồng Dân tộc đánh giá nguyên nhân tồn tại của công tác cử tuyển là do công tác tuyển sinh cử tuyển ở phía các địa phương chưa gắn với công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, đặc biệt chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến chất lượng đầu vào cử tuyển dẫn đến chất lượng đầu vào thấp, sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc không đủ kahr năng thi tuyển, xét tuyển vào công chức, viên chức mặc dù có được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định.
Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến
Thảo luận tại buổi làm việc, bộ ngành và các đại biểu tham dự tán thành những đánh giá của Hội đồng Dân tộc về công tác cử tuyển. Cụ thể, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cũng cho rằng, mặc dù chất lượng đào tạo hệ cử tuyển đã được nâng cao, công tác tuyển chọn ở các địa phương đã được cải thiện, số lượng học sinh cử tuyển tốt nghiệp đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ cho các vùng đặc biệt khó khăn, tuy nhiên trong 02 năm gần đây, chỉ tiêu đào tạo cử tuyển giảm hẳn do nhu cầu của địa phương.
Một số đại biểu cũng đưa ra nhận định việc thực hiện tốt chính sách cử tuyển là một giải pháp hữu hiệu trước mắt giải quyết vấn đề kinh tế cho người học, giúp học sinh dân tộc thiểu có cơ hội học lên cao. Về lâu dài, công tác cử tuyển sẽ tạo ra nguồn cán bộ vừa có trình độ tri thức vừa am hiểu phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tạo nên mối đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng khăng khít hơn. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng, không thể phủ nhận, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương trong thời gian vừa qua chưa thực sự chặt chẽ trong việc xét duyệt chỉ tiêu cử tuyển và tháo gỡ cơ chế về bố trí sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường để lãng phí nguồn nhân lực đào tạo.
Đại diện một số bộ, ngành phát biểu
Từ kết quả giám sát thực tiễn và ý kiến báo cáo của các bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc đã đưa ra đề xuất về chính sách cử tuyển trong dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017, cụ thể: chính sách cử tuyển quy định về chế độ đào tạo cử tuyển theo hướng nhằm mục đích nâng cao nhân lực có chất lượng cao cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc ít người đang chưa có cán bộ hoặc rất ít cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học. Nghiên cứu, xem xét tiêu chuẩn xét cử đi học cử tuyển đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp đối với học sinh theo hướng nâng cao chất lượng đầu vào; có cơ chế chặt chẽ xác định nhu cầu vị trí việc làm cho đối tượng được cử tuyển; bố trí việc làm cho sinh viên cử truyển sau khi ra trường đúng với vị trí việc làm được xác định trước khi đào tạo.