Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; các thành viên Bộ Giáo dục và Đào Tạo; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; đại diện Văn phòng Chính phủ cùng đông đảo các chuyên gia từ các trường, Viện nghiên cứu và các Hiệp hội nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục.
Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có bố cục gồm 10 Chương, 114 Điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.
Tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo đã trình bày những điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm có: Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Đại diện Ban soạn thảo cũng cho hay, chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Công tác phân luồng và liên thông còn yếu
Thảo luận tại Tọa đàm, các ý kiến phát biểu cho rằng, các quy định liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân cần lưu ý đến tính liên thông của hệ thống gắn liền với tính phân luồng. Các đại biểu cho rằng, yêu cầu về phân luồng là yêu cầu chung của mọi hệ thống giáo dục để đảm bảo có sự đa dạng về nguồn nhân lực theo định hướng hàn lâm và nghề nghiệp. Riêng đối với một nước đang phát triển như nước ta thì yêu cầu về tính phân luồng là đặc biệt quan trọng để có một cơ cấu nhân lực phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, các đại biểu đề nghị bổ sung như sau: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, phân luồng và liên thông, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, sức mạnh của một hệ thống giáo dục không phải chỉ ở cơ cấu hệ thống mà chủ yếu ở cơ chế vận động nội tại của nó. Đó là cơ chế được hình thành từ mối quan hệ giữa các bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân để giáo dục đáp ứng có chất lượng và hiệu quả các nhu cầu học tập khác nhau của người học và các yêu cầu đa dạng về nhân lực của xã hội. Cơ chế này gồm cơ chế phân luồng và liên thông, cơ chế bảo đảm chất lượng, cơ chế gắn đào tạo với sử dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Tọa đàm
Bên cạnh đó, do tác động của tiến trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ thông tin, mà trục tiếp là các thách thức của hội nhập quốc tế về giáo dục và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một vấn đề mới được đặt ra đối với việc thiết kế hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là yêu cầu về giáo dục mở.
Tuy nhiên, vấn đề phân luồng và liên thông của hệ thống giáo dục nước ta còn nhiều yếu kém. Các đại biểu chỉ ra rằng, điểm yếu trong tổ chức phân luồng của giáo dục nước ta không phải là ở cơ cấu hệ thống mà là ở cơ chế vận hành. Cơ chế này phụ thuộc vào mối quan hệ đồng bộ giữa chương trình giáo dục và việc tổ chức thực hiện chiến lược giáo dục ở địa phương (bao gồm quy hoạch trường lớp, dự báo về cơ cấu và nhu cầu nhân lực, phát triển thị trường việc làm). Về chương trình giáo dục, hiện các quy định thể chế cũng như việc xây dựng cụ thể đã chú trọng tới các yêu cầu về hướng nghiệp và phân luồng. Vấn đề tồn tại chính là ở khâu tổ chức thực hiện chiến lược giáo dục ở địa phương, trong đó còn nhiều yếu kém, bất cập trong quy hoạch trường lớp và tạo động lực để học sinh theo học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đối với cơ chế liên thông, cơ cấu hệ thống giáo dục nước ta đã tạo thuận lợi rất nhiều cho việc thực hiện liên thông. Những yếu kém hiện nay trong liên thông chủ yếu là do cơ chế vận hành của nó không dựa trên nần tảng bảo đảm chất lượng trên cơ sở một hệ thống chuyển đối tín chỉ. Điều này có liên quan đến một thiếu sót trong các quy định của Luật Giáo dục chỉ quan tâm đến kiểm định chất lượng mà không quan tâm đến yếu cầu bảo đảm chất lượng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đổi tên mục Kiểm định chất lượng giáo dục thành Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.
Cần bổ sung quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục
Liên quan đến quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, có ý kiến đại biểu cho rằng, vai trò của mạng lưới cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thực hiện phân luồng, liên thông, góp phần hiện thực hóa mô hình giáo dục mở và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Vì vậy, cần thiết bổ sung trong chương các quy định chung một điều về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục. Điều này quy định các nguyên tắc và nội dung cơ bản của quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Vì quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã được làm rõ trong các luật tương ứng nên trong Luật Giáo dục, cần có quy định về mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để góp phần khắc phục các bất cập hiện nay trong phát triển giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu
Ngoài ra, các nội dung về giải thích từ ngữ; đặc trưng của hệ thống giáo dục quốc dân; một số ngành nên hạn chế liên thông; loại hình cơ sở giáo dục; điều kiện thành lập và vận hành các cơ sở giáo dục… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, những ý kiến góp ý tại tọa đàm hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng như tham mưu những chính sách giáo dục phù hợp cho lĩnh vực này trong thời gian tới./.