Toàn cảnh Hội nghị học tập quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII
Dự hội nghị còn có nguyên Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; các đồng chí đảng viên là đại biểu Quốc hội đang sinh hoạt tại các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương, lãnh đạo các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng toàn thể đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân truyền đạt nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nghị quyết đặc biệt quan trọng để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo sự đồng bộ trong chủ trương của Đảng về quan điểm đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, và mọi quá trình đổi mới đều hướng vào mục tiêu vì con người. Hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị quyết được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động để tổ chức thực hiện Nghị quyết hiệu quả trong thực tiễn.
Đảng viên trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII
Trực tiếp truyền đạt Nghị quyết số 26 tới đảng viên Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu khái quát tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp. Theo đó, sau hơn 20 năm triển khai công tác cán bộ nhìn chung đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên. Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Chủ trương luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương đạt được kết quả bước đầu. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ ở nước ta đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng truyền đạt về 4 nội dung cơ bản của Nghị quyết 26, trong đó Nghị quyết đã đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân; đề ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, từ đó xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và giao trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện.
Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 26 coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.
Đảng viên trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII
Nghị quyết số 26 cũng đề ra mục tiêu cụ thể và tổng quát, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; bảo đảm đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại. Đối với cán bộ cấp chiến lược phải thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; phấn đấu trên 15% số cán bộ cấp chiến lược dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: phấn đấu từ 20 - 25% số người dưới 40 tuổi; từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: Từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác…
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông tin cụ thể về 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; đồng thời xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá để thực hiện Nghị quyết 26.
Trên cơ sở các nội dung của Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội và các cấp ủy đảng trực thuộc căn cứ vào nội dung Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mình chủ động xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện hiệu quả và thường xuyên tổ chức kiểm gia, giám sát, rút kinh nghiệm, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII.
Theo chương trình, chiều ngày 16/7, các đảng viên trực thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết số 27 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và nội dung Nghị quyết số 28 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội./.