CỬ TRI TP HẢI PHÒNG KIẾN NGHỊ VỚI QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ SAU KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

03/07/2019

Tại các buổi tiếp xúc sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, cử tri thành phố Hải Phòng đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương một số vấn đề cụ thể.

Cử tri thành phố Hải Phòng đưa ra ý kiến, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV của Đoàn ĐBQH Tp Hải Phòng cho biết, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương một số vấn đề sau:

Cử tri đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ quan tâm tính đặc thù của Hải Phòng trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW về chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời chỉ đạo công tác cán bộ Đại hội Đảng bộ thành phố khóa 16 nhiệm kỳ 2020-2025 để đảm bảo sự linh hoạt, ổn định, kế thừa để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, tiếp tục lãnh đạo thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 45 đã đề ra.

Cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đồng thời đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và xây dựng pháp luật trong thời gian tới; tiếp tục giảm thời gian trình bày các báo cáo tại hội trường, tập trung thời gian để các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại các phiên họp; đặc biệt cần tăng thời lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, hạn chế việc các Bộ trưởng trả lời chất vấn của đại biểu bằng văn bản.

Cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, điều hành các phiên họp để tăng tính tranh luận, phản biện; đối với những nội dung quan trọng, nhiều đại biểu quan tâm đăng ký phát biểu cần tăng thời lượng thảo luận tại hội trường hoặc tổ chức các phiên thảo luận riêng đối với những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; đặc biệt là giám sát các vụ án có dấu hiệu oan sai, những vụ án còn kéo dài. Cử tri phản ánh, hiện nay sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa các vùng miền vẫn còn khá phổ biến, tại các khu vực miền núi, hải đảo các công trình phúc lợi như: trường học, bệnh viện, đường xá còn thô sơ, nghèo nàn. Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa việc đầu tư cho các khu vực này để nâng cao chất lượng, đời sống của Nhân dân các khu vực miền núi, hải đảo.

Để khắc phục những tồn tại trên, cử tri đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên toàn quốc, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, không thống nhất, kéo dài thời gian thực hiện; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát những vướng mắc, bất cập tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở; và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, cử tri đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước để tránh lãng phí tài sản Nhà nước, nhất là tài nguyên đất đai; cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sớm có báo cáo công bố kết quả thanh tra hoạt động điều hành giá điện, giá xăng dầu; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để đưa các đạo luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sớm đi vào cuộc sống./.

Hồ Hương