ĐBQH PHAN THỊ BÌNH THUẬN: NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ PHÂN BÓN

03/07/2019

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phân bón.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn

Sau khi nhận được nội dung chất vấn của đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 9607 ngày 11/12/2018 trả lời câu hỏi của đại biểu chất vấn về công tác quản lý đối với mặt hàng phân bón. Công văn trả lời của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nêu rõ:

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ là đầu mối quản lý phân bón theo Nghị định số 15 ngày 17/02/2017 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108 ngày 20/09/2017 về quản lý phân bón thay thế Nghị định 202. Trong đó, Chính phủ giao trách nhiệm quản lý phân bón cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kể từ khi Nghị định108 có hiệu lực đến nay công tác quản lý phân bón đã có chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về phương thức quản lý: Phân bón được quản lý chặt ngay từ đầu vào. Phân bón được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành (trừ phân bón đơn cơ bản, phức hợp, hữu cơ). Việc khảo nghiệm phân bón phải được thực hiện tại các tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm. Phân bón được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Toàn bộ các lô hàng phân bón nhập khẩu đều phải kiểm tra chất lượng nhà nước và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu.

Về số lượng và chất lượng phân bón: Tổng rà soát lại toàn bộ phân bón đang lưu thông trên thị trường và thực hiện công nhận lưu hành theo quy định chuyển tiếp tại Nghị định số 108 của Chính phủ. Đến nay Cục Bảo vệ thực vật đã công nhận lưu hành cho 18.185 phân bón chuyển tiếp theo quy định và loại bỏ 3.386 phân bón có chỉ tiêu chất lượng không đáp ứng quy định hiện hành.

Về công tác thanh tra, kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý các cơ sở sãn xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón không đáp ứng theo quy định; các phân bón đang sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường không đảm bảo chất lượng hoặc không đáp ứng quy định như chưa được công nhận lưu hành, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ,…Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với các lực lượng chức năng như Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Công an, Quản lý thị trường,….trong công tác thanh, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh phân bón không đáp ứng quy định.

Về xây dựng hành lang pháp lý: Cho đến nay hành lang pháp lý về quản lý phân bón đã tương đối đầy đủ với 02 Nghị định là Nghị định số 108 về quản lý phân bón; Nghị định 55 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón và 74 tiêu chuẩn Việt Nam. Bộ cũng đã chỉ định 17 phòng thử nghiệm, 8 đơn vị kiểm tra nhà nước, 12 tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón để phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng phân bón.

Thống nhất một đầu mối về quản lý phân bón

Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc là doanh nghiệp sản xuất phân đạm ure đầu tiên của Việt Nam. Hơn 30 năm qua, công ty đã sản xuất hàng triệu tấn phân ure, phân hỗn hợp NPK cung cấp cho đồng ruộng. Nằm trong đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của Nghị định số 108 của Chính phủ về quản lý phân bón, doanh nghiệp đánh giá cao những quy định mới mang tính đột phá của Nghị định so với Nghị định số 202 trước đây. Theo bà Nguyễn Thị Đoan, Trưởng phòng Thị trường, Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, công ty thực hiện Nghị định số 108 của Chính phủ rất thuận lợi, không thấy khó khăn vướng mắc gì. Việc siết chặt quản lý phân bón giúp ổn định thị trường phân bón, nâng cao chất lượng phân bón, đảm bảo quyền lợi tiêu dùng của người nông dân. Việc quy định 1 đầu mối quản lý cũng giúp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón thuận lợi hơn trong giao dịch.

Trước đó, khoảng thời gian chờ chuyển tiếp từ Nghị định số 202 sang Nghị định số 108 chính là giai đoạn đỉnh điểm dồn nén nhiều khó khăn của ngành phân bón. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác tràn lan trên thị trường do chưa thống nhất về đầu mối quản lý. Khắc phục tình trạng này, Nghị định số 108 về quản lý phân bón được Chính phủ ban hành ngày 20/09/2017. Đây là Nghị định quan trọng mang tính bước ngoặt, có hiệu lực ngay khi ban hành mà không cần thông tư hướng dẫn. Điểm khác cơ bản của Nghị định là việc thống nhất đầu mối và chịu trách nhiệm chung về quản lý phân bón thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ngay lập tức vào cuộc để chấn chỉnh lại thị trường phân bón. Phân bón được quản lý chặt ngay từ đầu vào. Đến nay, cục Bảo vệ thực vật đã công nhận lưu hành cho 18.185 phân bón chuyển tiếp theo quy định và loại bỏ 3.386 phân bón có chỉ tiêu chất lượng không đáp ứng quy định hiện hành. Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đánh giá lại các cơ sở sản xuất phân bón đã được cấp phép hoạt động, cả nước hiện có 783 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất là 30,3 triệu tấn/năm. Công tác thanh tra, kiểm tra được siết chặt.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mặc dù Nghị định số 108 được Chính phủ ban hành với kỳ vọng siết chặt quản lý đối với thị trường phân bón, nâng cao chất lượng phân bón và thống nhất đầu mối quản lý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được đa số doanh nghiệp sản xuất phân bón đón nhận. Tuy nhiên, với 1 số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thì Nghị định 108 cũng còn một số quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là quy định về khảo nghiệm. Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên PIV phân bón vi lượng thì, Nghị định 108 đúng là sẽ siết chặt được quản lý thị trường phân bón, tuy nhiên quy định về khảo nghiệm phân bón có nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu phân bón. Với quy định mới để có thể nhập khẩu đôi khi phải mất mấy năm.

Như vậy, công tác quản lý phân bón sau khi được giao về một đầu mối mặc dù vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhưng về cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực trên thực tế. Những chuyển biến này được đại biểu Phan Thị Bình Thuận nhìn nhận ra sao? Thời gian tới, công tác quản lý phân bón cần tiếp tục cần lưu ý những nội dung gì để đảm bảo tính hiệu quả? Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi ý kiến của đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận.

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Xin đại biểu cho biết nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tại kỳ họp thứ 3 tôi có chất vấn tại hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng phân bón giả và chưa có sự phân công rạch ròi đầu mối trong quản lý phân bón. Sau đó, Bộ trưởng cũng đã có văn bản trả lời và đến kỳ họp thứ 6 tôi tiếp tục có văn bản chất vấn để hỏi lại Bộ trưởng xem sau khi đã quy về 1 đầu mối trong quản lý phân bón về cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì hiệu quả quản lý phân bón có được cải thiện hay không và tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng có giảm hay không?

Phóng viên: Sau khi nhận được chất vấn, ngày 11/12/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công văn số 9607 trả lời đại biểu. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ, khi đã quy về 1 đầu mối thống nhất trong quản lý phân bón cụ thể là giao cho bộ NN và PT nông thôn thì việc quản lý phân bón cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực cụ thể là trong phương pháp quản lý, vấn đề số lượng chất lượng phân bón, vấn đề công tác thanh tra kiểm tra cũng như trong xây dựng thể chế thì tôi thấy rằng trả lời của Bộ trưởng như vậy là cũng đầy đủ và toàn diện

Phóng viên: Trong công văn trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu một loạt các giải pháp để quản lý phân bón, theo đánh giá của đại biểu, những giải pháp này đã toàn diện, đầy đủ, khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý phân bón trong thời gian qua?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Theo như đánh giá của tôi thì các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra trên thực tế đã có những hiệu quả nhất định ví dụ như về xây dựng thể chế Bộ cũng đã kịp thời tham mưu và chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 108 để thay thế cho Nghị định cũ trong vấn đề quản lý phân bón đồng thời cũng đã có Nghị định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực về phân bón. Ngoài ra, gần đây trong Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua cũng đã có quy định về vấn đề quản lý phân bón. Về những giải pháp khác Bộ đưa ra như: tổng rà soát các loại phân bón đang lưu hành để trên cơ sở đó đối với loại phân bón nào đủ chất lượng thì được tiép tục cho lưu hành còn đối với loại phân bón nào không đảm bảo chất lượng theo quy định thì loại bỏ; thực hiện việc rà soát đánh giá lại các cơ sở sản xuất mua bán phân bón để trên cơ sở đó đối với những cơ sở nào không đảm bảo hoặc vi phạm thì sẽ có xử lý nghiêm minh đều rất hiệu quả.

Phóng viên: Theo nhận định của đại biểu, công tác quản lý phân bón cũng như vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã có những chuyển biến tích cực như thế nào?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Nhìn chung, về cơ bản sau khi thống nhất về 1 đầu mối quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương và có nhiều nỗ lực trong việc siết chặt quản lý phân bón. Do vậy, bước đầu công tác quản lý phân bón đã có những chuyển biến tích cực đáng được ghi nhận, tình trạng phân bón giả phân bón kém chất lượng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, để nói là khắc phục hoàn toàn thì chưa thể khẳng định là chưa thể nào khắc phục hoàn toàn được những tồn tại của ngành phân bón. Cụ thể: trong vấn đề xử lý các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng thì đến thời diểm này nhiều doanh nghiệp chưa bị xử lý 1 cách rốt ráo;…

Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nguyễn Xuân Cường. Đại biểu Phan Thị Bình Thuận đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua trong công tác quản lý phân bón. Từ đó, tình trạng chồng chéo trong quản lý đã dần được khắc phục, bước đầu tạo ra những chuyển biến mới trong lĩnh vực phân bón, hiện tượng phân bón giả, kém chất lượng được kiểm soát chặt chẽ.  Với những chuyển biến tích cực như vậy, Đại biểu và cử tri kỳ vọng khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, ngành phân bón sẽ càng đi vào quy củ, ổn định hơn nữa, lợi ích của doanh nghiệp chân chính và khoảng 60 triệu nông dân sẽ được đảm bảo. Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, cơ sở sản xuất ma, nhảy dù, chộp giật sẽ dần bị loại bỏ tận gốc, từ đó đóng góp tích cực vào nền nông nghiệp bền vững mà Chính phủ đang hướng tới./.

Lê Anh