LUẬT CẠNH TRANH 2018 VỚI NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI GÓP PHẦN TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH LÀNH MẠNH CHO DOANH NGHIỆP

03/07/2019

Luật Cạnh tranh 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào ngày 12/6/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 và thay thế cho Luật Cạnh tranh năm 2014. Với nhiều cải cách sâu rộng, Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích to lớn thúc đẩy môi trường kinh doanh, cạnh tranh tự do, bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.

Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004, tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 7/ 2005. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 (sau đây gọi là Luật năm 2004) đánh dấu mốc quan trọng trong việc tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là công cụ quan trọng để nhà nước kiểm soát các hành vi có tính chất phản cạnh tranh. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật năm 2004 đã dần bộc lộ những điểm hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh 2018 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Qua tổng kết thực tiễn thi hành cho thấy các quy định của Luật năm 2004 chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, làm động lực cho sự phát triển kinh tế. Số vụ việc cạnh tranh được phát hiện, điều tra, xử lý còn hạn chế trong khi thực tế môi trường cạnh tranh tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều hành vi có tác động tiêu cực tới thị trường, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực có quy mô lớn hoặc đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế như lĩnh vực năng lượng, dược phẩm, phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics, du lịch, các ngành ứng dụng công nghệ,…

Cùng với đó, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn đến sai sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp, chưa có cơ chế và tiêu chí cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi, đặc biệt trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đấy cạnh tranh hiệu quả.

Với mục tiêu xuyên suốt là “Tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Cùng với đó là đảm bảo tính hợp lý về mặt kinh tế, phát huy được các tác động tích cực, hạn chế giảm thiểu các tác động phản cạnh tranh của các hành vi kinh doanh trên thị trường. Luật cạnh tranh 2018 được xây dựng với 10 chương, 121 điều. Chương I  là những quy định chung (Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật về cạnh tranh; quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan tới cạnh tranh. Chương II về thị trường liên quan và thị phần. Chương III về thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Chương IV về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Chương V về tập trung kinh tế. Chương VI về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chương VII về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Chương VIII về tố tụng cạnh tranh. Chương IX về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Chương IX về điều khoản thi hành.

Luật Cạnh tranh 2018 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới so với Luật Cạnh tranh 2004

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Luật Cạnh tranh đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh 2018

Quy định này tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam. Điều này khắc phục được thực trạng thời gian qua nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại  Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty Dược phẩm CFR hay Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam…

Luật cũng mở rộng đối tượng áp dụng gồm mọi đối tượng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường.

Hoàn thiện quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Thay vì quy định cấm dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận như trong Luật năm 2004, Luật Cạnh tranh 2018 quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể làm cơ sở quy định cấm đối với một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bao gồm cả thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, ngoài những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tính chất nghiêm trọng bị cấm theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Quy định của Luật cho phép kiểm soát mọi hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cả theo chiều ngang và theo chiều dọc, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường

Các thỏa thuận theo chiều ngang – bao gồm các thỏa thuận liên quan đến việc sửa giá, phân bổ khách hàng, gian lận thầu, hạn chế đầu ra, ngăn chặn xâm nhập thị trường và loại trừ tham gia thị trường đều bị xem là vi phạm. Các thỏa thuận ngang khác sẽ bị cấm nếu chúng gây ra hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Liên quan đến các thỏa thuận theo chiều dọc, các thỏa thuận về gian lận thầu, ngăn chặn thị trường nhập cảnh và loại trừ những người tham gia thị trường đều bị cấm. Các thỏa thuận dọc khác bị cấm nếu chúng gây ra hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Lần đầu quy định tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể để xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

Ngoài tiêu chí ngưỡng thị phần 30%, Luật Cạnh Tranh 2018 xây dựng hệ thống tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể một cách đầy đủ, phù hợp hơn bổ sung thêm các yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường tại Điều. Các yếu tố để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của một công ty căn cứ vào một số tiêu chí liên quan đến tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp; quy mô và năng lực tài chính của doanh nghiệp; những lợi thế về công nghệ, cơ sở hạ tầng…

Thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề tập trung kinh tế

Cách tiếp cận trong kiểm soát tập trung kinh tế trong Luật cạnh tranh có sự thay đổi căn bản, theo đó tập trung kinh tế được coi là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh gắn với quyền tự do kinh doanh. Luật cạnh tranh không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như trong Luật năm 2004 mà thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế nếu việc tập trung kinh tế không gây tác động tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường.

Hoàn thiện các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã có quy định của pháp luật chuyên ngành khác như hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ, Luật quảng cáo…, quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi.

Luật cũng bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do những hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi

Luật Cạnh tranh 2018 xác định cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh cụ thể, trong khi Luật Cạnh tranh 2004 thì không quy định điều này.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, là cơ quan thực thi pháp luật về cạnh tranh, tham mưu Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được giao nhiệm vụ hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc quản lý cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý các trường hợp cạnh tranh, xem xét các yêu cầu miễn trừ và tập trung kinh tế.

Bảo Yến