KHÔNG QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

13/01/2020

Cho ý về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, tại Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc không cần thiết phải quy định một điều luật riêng về nhiệm vụ quyền hạn trong giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước mà bổ sung trách nhiệm giới thiệu cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giám định khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại Kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật do Chính phủ trình bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước tương tự như bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện giám định tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý. Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quy định dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong Luật giám định tư pháp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, theo quy định của Luật Giám định tư pháp hiện hành, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, đội ngũ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này đã được Bộ Tài chính kiện toàn và hoạt động ổn định, trong khi đó, số vụ việc trưng cầu giám định tư pháp về tài chính không nhiều. Bộ Tài chính đã bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 đến 2018 chỉ là 241 vụ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, khối lượng công việc hằng năm của Kiểm toán nhà nước rất lớn, còn số lượng Kiểm toán viên toàn ngành hiện ít hơn số lượng giám định viên tư pháp lĩnh vực tài chính. Vì vậy, nếu bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước tương tự như bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện giám định tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan này.

Do đó, không cần thiết phải quy định một điều luật riêng về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về giám định tư pháp của Kiểm toán nhà nước vào Luật này. Vì vậy, đề nghị bỏ Điều 41a của dự thảo Luật, đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp theo hướng: “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu.

Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố.”

Giải trình làm rõ về nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh bày tỏ nhất trí với giải trình của Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.  

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh giải trình, làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, trước tình hình là các vụ việc về phòng, chống tham nhũng ách tắc trong khâu giám định thì Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị bổ sung việc Kiểm toán nhà nước tham gia giám định các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán được thông qua và không bổ sung chức năng này cho Kiểm toán nhà nước.

Mặt khác, theo quy định của Hiến pháp thì Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, nhiệm vụ chính của Kiểm toán nhà nước là kiểm toán.

Các bộ, ngành thực hiện Luật Giám định tư pháp là quy định theo hướng cơ quan, bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước ở lĩnh vực, ngành nào thì giám định tư pháp trong lĩnh vực ngành đó. Kiểm toán nhà nước là không có ngành, lĩnh vực quản lý cũng như là không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Bộ máy của Kiểm toán nhà nước là cơ quan tổ chức thống nhất, tập trung của Trung ương. Do đó, đặt vấn đề Kiểm toán nhà nước có thực hiện giám định tư pháp như các bộ, ngành hay không thì rất khó.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cũng chia sẻ, hiện nay Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao rất nặng nề. Cụ thể, với số lượng cán bộ hiện nay mới thực hiện được khoảng 2/3 việc kiểm toán thường niên ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kiểm toán theo yêu cầu của Luật Ngân sách cũng như Luật Kiểm toán, 100% tỉnh, thành phố được kiểm toán thường niên chưa thực hiện được. Do đó nếu bổ sung thêm nhiệm vụ thì Kiểm toán nhà nước không thể thực hiện được và không khả thi.

Bày tỏ nhất trí với hướng sửa đổi, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định, trong trường hợp có chuyên gia đáp ứng được yêu cầu thì Kiểm toán nhà nước sẵn sàng cử tham gia thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận về nội dung thảo luận

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án như báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng như tán thành ý kiến giải trình của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước.  Do đó nhất trí chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp như dự thảo./.

Bảo Yến