Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Qua tổng hợp thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung xây dựng, ban hành văn bản ở địa phương. Theo đó, có ý kiến đề nghị mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp huyện, cấp xã để quy định về những vấn đề, chính sách đặc thù của địa phương.
Có ý kiến cho rằng, Luật năm 2015 mới chỉ quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà chưa quy định cơ quan, cá nhân có quyền trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cả việc trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để ban hành văn bản quy định về những vấn đề theo yêu cầu thực tiễn của cấp huyện, cấp xã nhưng không được luật giao cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
Cần quy định trong luật về cơ quan trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, Luật năm 2015 mới chỉ quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chưa quy định cơ quan, cá nhân nào có quyền trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay vấn đề này được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực. Trong thực tế còn tồn tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có chức năng quản lý nhà nước như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh hoặc được giao soạn thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong các văn bản của Trung ương.
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 30 luật năm 2015 thì Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định những vấn đề được luật giao. Nhưng trong thực tế cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp huyện, cấp xã cần trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh trong phạm vi địa phương, huyện, xã đó. Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đặt vấn đề ở đây cơ quan nào có thẩm quyền trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó lần sửa đổi Luật lần này cần quy định rõ.
Cân nhắc về việc quy định thủ tục hành chính trong văn bản của chính quyền địa phương
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ nhất trí với việc dự thảo Luật lần này bổ sung trường hợp cần thiết phải quyết định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho biết, theo quy định hiện hành thì văn bản quy phạm pháp luật của địa phương không được quyết định thủ tục hành chính, trừ trường hợp được luật giao. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 27 Luật hiện hành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành nghị quyết để quy định các biện pháp có tính chất đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, để các biện pháp chính sách đặc thù do địa phương ban hành đảm bảo tính khả thi, cần phải ban hành các quy định về trình tự hồ sơ yêu cầu, điều kiện và cách thức thực hiện, đó chính là thủ tục hành chính. Đại biểu nhấn mạnh, nếu không quy định thủ tục hành chính thì sẽ không thể ban hành được biện pháp, chính sách riêng của địa phương. Vì vậy, việc bổ sung nội dung này rất phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong khi đó, đại biểu Võ Thị Như Hoa – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng lại cho rằng yêu cầu quy định thủ tục hành chính ngay trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là không phù hợp. Đại biểu phân tích, Hội đồng nhân dân không phải là cơ quan thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, yêu cầu cải cách hành chính phải thực hiện thường xuyên, do đó, việc điều chỉnh thủ tục hành chính cũng phải thực hiện thường xuyên. Trong khi đó, nếu đã quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì việc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính sẽ rất phức tạp và mất thời gian. Mặt khác, để triển khai nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong nhiều trường hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn phải ban hành quyết định để thực thi.
Do đó, đại biểu Võ Thị Như Hoa đề nghị xem xét quy định theo hướng cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể về thủ tục hành chính để thực hiện các chính sách tại nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa – Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng
Đại biểu Võ Thị Như Hoa cũng lưu ý, một trong những công cụ quản lý nhà nước hiệu quả nhất là thủ tục hành chính. Thông qua thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước mới có thể kiểm soát, giám sát và kiểm tra, xử lý. Trong nhiều trường hợp, nếu không có thủ tục hành chính, cơ quan nhà nước ở địa phương không thể thực hiện được nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chính vì vậy, cần xem xét lại vấn đề hạn chế quy định thủ tục hành chính theo hướng tiếp cận khác, tránh đi theo tư duy hạn chế cơ quan được quy định thủ tục hành chính. Theo đó, việc hạn chế quy định thủ tục hành chính cần xây dựng theo hướng chỉ cần đặt ra những nguyên tắc, những giới hạn trong việc thực hiện quy định thủ tục hành chính và thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát thủ tục hành chính. Thay vì cấm cơ quan nhà nước ở địa phương được quy định như hiện nay.
Rà soát sửa đổi các quy định để phù hợp với thực tiễn
Cũng từ thực tiễn của địa phương trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm các nội dung để đảm bảo việc thi hành luật được khả thi, các quy định của luật phù hợp, bảo đảm các quy định điều chỉnh được các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản cấp trên để chất lượng của xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tốt hơn.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 127 về đề nghị xây dựng quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với trường hợp cơ quan chuyên môn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chủ chủ động giao, phân công chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thì không cần cơ quan chuyên môn phải lập đề nghị xây dựng quyết định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong trường hợp này, nếu thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận theo quy định, chỉ mang tính chất thủ tục và mất thời gian.
Cân nhắc nghiên cứu, sửa đổi khoản 3 Điều 152 hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định của khoản này là văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được quy định hiệu lực trở về trước đối với các văn bản quy định về lợi ích chung của xã hội, quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân để đảm bảo quyền, lợi ích của các đối tượng được áp dụng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ. Thực tế các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương được ban hành trên cơ sở phân cấp, ủy quyền của các cơ quan trung ương. Do vậy, thời điểm có hiệu lực của văn bản ở địa phương sẽ chậm hơn văn bản của các cơ quan cấp trên và sẽ có hiệu lực muộn hơn văn bản của Trung ương nhưng không được quy định hiệu lực trở về trước nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đối tượng được áp dụng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương chỉ rõ, Luật hiện hành chưa đưa ra khái niệm thế nào là văn bản quy định chi tiết gây khó khăn trong việc rà soát, xác định văn bản quy định chi tiết đương nhiên hết hiệu lực, trong một số trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành hoặc thời gian từ lúc ký ban hành đến thời điểm có hiệu lực ngắn. Điều này dẫn tới việc xây dựng văn bản quy định chi tiết không kịp thời có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cấp trên. Trong khi đó, các văn bản quy định chi tiết cũ đã bị hết hiệu lực nhưng các văn bản quy định chi tiết mới thì chưa thể kịp ban hành nên đã tạo ra khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành. Tuy nhiên, theo quy định thì các văn bản quy định chi tiết này đương nhiên hết hiệu lực phải ban hành lại, kể cả giữ nguyên nội dung dẫn tới lãng phí nguồn lực không cần thiết. Vì vậy, cần rà soát quy định này để sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn.
Tiếp thu các ý kiến đại biểu, phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới./.