Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có: các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hình thức xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục chủ yếu là bạo lực thể chất và tinh thần, xâm hại tình dục, bắt nạt học đường. Đối tượng bị xâm hại bao gồm cả học sinh nữ và học sinh nam. Người gây ra hành vi xâm hại bao gồm học sinh nam, học sinh nữ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Các hành vi xâm hại chủ yếu là đấm, đá, cào, cấu, giật đồ, sử dụng đồ vật đánh vào người, kỷ luật tiêu cực mang tính bạo lực; nói xấu, sỉ nhục, tung tin đồn nhảm, tẩy chay, cô lập về tinh thần, lột đồ, dâm ô, cưỡng dâm….
Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề xã hội có tính toàn cầu, theo ước tính của tổ chức y tế thế giới (WHO) vào năm 2011 trên phạm vi toàn cầu có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục; khu vực Châu Á Thái bình dương có tới 71% trẻ em từ 1-14 tuổi chịu kỷ luật bạo lực; Việt Nam khoảng 68,4%.
Theo số liệu của Bộ Công An, năm 2017, cả nước có 1.592 vụ xâm hại trẻ em, với 1.757 đối tượng; 1.642 trẻ em bị bạo lực xâm hại, trong đó có 1.397 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 85% tổng số trẻ em bị xâm hại). Năm 2018, cả nước đã xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em (giảm 5% so với 2017); với 1.669 đối tượng; xâm hại 1.579 trẻ em bị xâm hại (giảm 4% so với 2017), trong đó 1.293 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra tới 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, số liệu thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được đầy đủ. Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ. Đơn cử, một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Khi vụ việc này chưa lắng xuống thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh...
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Về vấn đề bạo lực học đường đối với trẻ em, các đại biểu cũng chỉ ra, một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc. Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.
Đại diện Học Viện Cảnh sát nhân dân cho biết, xu hướng bạo lực từ một số thầy, cô giáo đã ảnh hưởng đến tinh thần học sinh, làm các em không còn tin vào nhân cách người thầy, làm lệch lạc chuẩn mực đạo đức xã hội mà các em đã được lĩnh hội nhờ quá trình giáo dục. Hình thức bạo hành trong nhà trường từ phía thầy, cô giáo đối với học sinh thể hiện qua các vụ việc được báo chí đề cập nhiều như: cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến phải đi viện… làm dư luận hết sức bất bình. Việc thầy, cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh cũng có nguyên nhân từ áp lực công việc, do thiếu kiềm chế, không làm chủ được mình, thiếu kỹ năng ứng xử… Nhiều thầy, cô giáo trút tức giận, bực bội lên đầu trẻ do chưa có kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phân tích tâm lý dẫn đến bạo lực với học trò. Bạo lực nhà trường ảnh hưởng xấu đến học sinh, làm lệch lạc các chuẩn mực đạo đức ở các em.
Các đại biểu cho rằng, dù xuất phát từ bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, hiện tượng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh có thể xem như một sự sa sút nhân cách nhà giáo, sự bất lực về khả năng sư phạm. Luật Giáo dục đã có qui định nhà giáo không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”.
Tuy nhiên trong nhà trường hiện nay xu hướng sử dụng hình phạt trong giáo dục còn chiếm một tỷ lệ đáng kể. Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong trường học, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Chủ tịch Hội đào tạo công tác xã hội Nguyễn Hải Hữu cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của nhà trường; nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em, quyền được bảo vệ và các hậu quả của việc bị lạm dụng; đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Môi trường nhà trường cần mang tính hỗ trợ và an toàn đối với trẻ. Giáo viên cần phải được đào tạo và hỗ trợ trong việc sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực (không bạo lực).
Bên cạnh đó, thay đổi quan điểm rằng trừng phạt thể chất và tinh thần là cần thiết để nuôi dạy trẻ. Người chăm sóc nên có hiểu biết về những hình thức kỷ luật thay thế cho trừng phạt thể chất và tinh thần. Thay thế phương pháp quản lý hành vi của trẻ mà không dựa vào việc sử dụng trừng phạt thể chất và tinh thần. Bố mẹ nên là tấm gương tốt để con noi theo. Nên dạy trẻ cách cư xử đúng mực với thầy/cô giáo, hỗ trợ giáo viên trong việc sử dụng hình thức kỷ luật tích cực.
Nhiều đại biểu cho rằng, các bậc phụ huynh cũng cần phải nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động lành mạnh của trường, cộng đồng và xã hội tổ chức; không để con em bỏ học; không phó mặc, ỷ lại việc giáo dục con em mình cho nhà trường.
Đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự rèn luyện - bảo vệ - ứng phó nhằm giúp học sinh hiểu biết, suy nghĩ, tư duy tích cực và có thái độ, hành vi tích cực, để nhìn nhận vấn đề và giải quyết tình huống theo hướng tích cực, biết thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể; có tinh thần tự chủ, thẳng thắn, trung thực, có cách suy nghĩ, thái độ và hành vi tích cực; hình thành lối sống lành mạnh, có đạo đức, lối sống, thói quen ứng xử văn hóa, giao tiếp hiệu quả với mọi đối tượng trong nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trước thực trạng xâm hại trẻ em nêu trên, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em.
Phó Trưởng Đoàn giám sát- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, đây sẽ là cơ sở hữu ích giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thành có hiệu quả mục đích, yêu cầu giám sát của Quốc hội./.